Kinh tế khó khăn, thị trường đồ cũ tại Trung Quốc bùng phát

Quốc tế - Ngày đăng : 10:35, 28/09/2022

4 năm qua, nghiên cứu sinh Kang Yu sống tại Thượng Hải chủ yếu mua đồ đã qua sử dụng để tiết kiệm tiền lúc kinh tế khó khăn và bất ổn.

Cô Kang Yu thường tìm kiếm đồ gia dụng cùng đồ nội thất. Cô chia sẻ: “Món đồ lớn nếu mua hàng mới sẽ rất đắt, mua đồ đã qua sử dụng với giá rẻ hơn có lợi cho cả người mua lẫn người bán. Hơn nữa loại bỏ món đồ lớn khá rắc rối, để ai đó lấy chúng đi sẽ dễ dàng hơn. Nếu không nhất thiết phải mua hàng mới, chẳng hạn đồ lót hay vớ, thì tôi thường cân nhắc mua đồ cũ”.

Trung Quốc hiện có đến 243 triệu người mua đồ đã qua sử dụng qua hình thức trực tuyến. Nền tảng nghiên cứu thị trường 100ec.cn xác định giá trị giao dịch thương mại điện tử đồ đã qua sử dụng ở đất nước tỉ dân trong nửa đầu năm 2022 đạt khoảng 240,12 tỉ nhân dân tệ (33,8 tỉ USD), đến cuối năm có khả năng đạt 480,24 tỉ nhân dân tệ, tăng 20% so với năm ngoái.

Người dân Trung Quốc tích trữ lượng lớn hàng hóa dư thừa qua nhiều thập niên kinh tế tăng trưởng nhanh chóng. Một số là vật dụng cũ dù vẫn hữu dụng nhưng bị thay thế bằng phiên bản mới hơn, số khác vẫn tốt như mới do hiếm khi được dùng tới.

Thời kỳ kinh tế khó khăn thúc đẩy thị trường đồ đã qua sử dụng chín muồi, trở thành phương thức tiết kiệm cần thiết. Theo nhà phân tích Peng Zhiwei thuộc đơn vị tư vấn Hoa Kinh: “Thói quen tiêu dùng quá mức của người dân làm lượng đồ đã qua sử dụng tăng đáng kể, mức độ cạnh tranh trên thị trường đồ cũ tăng theo cộng thêm mức giá thấp hơn khiến người dùng sẵn sàng mua hàng hơn”.

Nhà phân tích Zhiwei nhận định thị trường đồ đã qua sử dụng tại Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, đại dịch COVID-19 vẫn còn, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt.

thichina.jpg
Đồ đã qua sử dụng là giải pháp giúp tiết kiệm tiền được ưa chuộng tại Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Theo 100ec.cn, tỷ lệ người mua đồ đã qua sử dụng trực tuyến trên tổng số người mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc tăng từ 23% năm 2019 lên 27,61 % nửa đầu năm 2022, dự kiến vượt 28,96% vào nửa cuối năm nay. Nền tảng này cũng dự báo số lượng người mua đồ đã qua sử dụng trực tuyến Trung Quốc tăng từ 243 triệu nửa đầu năm lên 263 triệu vào nửa cuối năm.

Cô Kang tiết kiệm mạnh tay hơn thời đại dịch, vì suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn làm tăng khả năng cô không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh.

“Trước đây khi mua thứ gì đó không đắt lắm, tôi có thể cân nhắc mua hàng mới, nhưng giờ nhiều khả năng tôi sẽ chọn đồ đã qua sử dụng hơn. Đại dịch làm thay đổi sự ưa thích của tôi dành cho sự mới mẻ”, Kang cho biết.

Theo Báo cáo về giảm phát thải carbon trong mua bán đồ đã qua sử dụng Trung Quốc công bố năm 2021 bởi Đại học Thanh Hoa hợp tác đơn vị tư vấn Frost & Sullivan, tổng giá trị giao dịch đồ đã qua sử dụng (tính cả trực tuyến lẫn trực tiếp) năm 2025 dự kiến đạt 3.000 tỉ tệ, gấp 10 lần năm 2015.

Người tiêu dùng trẻ tuổi - chiếm phần lớn trong thị phần tiêu dùng - quan tâm đến bảo vệ môi trường cũng như ít có ác cảm với đồ đã qua sử dụng hơn thế hệ cha mẹ và ông bà. Ý thức môi trường góp phần thúc đẩy hình thành hoạt động cung cấp đồ đã qua sử dụng trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.

Mạng lưới thương mại điện tử và hệ thống hậu cần hoàn thiện giúp lĩnh vực mua bán đồ đã qua sử dụng phát triển.

Alibaba - nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc cho biết ứng dụng mua bán đồ đã qua sử dụng Idlefish của họ tính đến năm ngoái có hơn 300 triệu người dùng.

Lúc chưa tốt nghiệp, nhà biên kịch Li Ziqing là quản trị viên tài khoản Wechat mua bán đồ đã qua sử dụng của một nhóm trong trường đại học. Cô còn đứng đầu một cộng đồng giao dịch trực tuyến 500 thành viên.

Chính nhu cầu cần một nền tảng mua bán minh bạch, không tốn kém của sinh viên thúc đẩy Li lập nên cộng đồng giao dịch trong khuôn viên trường. Đồ đã qua sử dụng giá rẻ, dễ trao đổi và không cần chờ giao hàng.

Cộng đồng Li lập nên đạt thành công nhất định trong số vô vàn ứng dụng mua bán đồ đã qua sử dụng tại Trung Quốc. Nền tảng này ra đời cũng phản ánh tâm lý lo sợ bị lừa đảo của người mua đồ đã qua sử dụng trực tuyến.

Không như nước ngoài hoạt động mua bán đồ đã qua sử dụng trực tiếp thúc đẩy giao dịch trực tuyến phát triển, thị trường đồ đã qua sử dụng khởi đầu muộn nhưng phát triển nhanh chóng của Trung Quốc chủ yếu dựa vào giao dịch trực tuyến. Cách thức phát triển này đem lại nhiều vấn đề về lòng tin người tiêu dùng. Biên kịch Li cho biết “Tôi không mua đồ từ người lạ vì họ không đáng tin”.

Sinh viên Wu Longlei tại Quảng Tây cũng đánh giá rằng sự lừa đảo trong giao dịch trực tuyến từng rất phổ biến. May mắn là giờ đây các nền tảng mua bán đồ đã qua sử dụng đã được chấn chỉnh nên kẻ lừa đảo cùng hàng giả không còn nhiều như trước nữa.

Cẩm Bình