Nước tràn bờ, người dân nô nức đặt dớn bắt cá
Sự kiện - Ngày đăng : 20:28, 18/09/2022
Ông Trường, ngụ huyện Thới Bình tâm tình, gia đình ông có 2ha đất trồng lúa. Hiện nay mưa nhiều, mực nước ngoài đồng ruộng đã lên cao. Vì vậy, các loài thuỷ sản nước ngọt như cua đồng, cá đồng, tép rong (giống tôm nhưng nhỏ hơn), rắn, lươn…, có rất nhiều.
“Tôi đặt 5 dớn, ngày thăm hai buổi, mỗi ngày bán được từ hơn 200.000 đồng. Công việc nhàn, những khi đi thăm dớn lúc nào cũng háo hức. Hôm nào dính rắn, lươn thì vô mánh, thu nhập cao hơn”, ông Trường nói.
Ngồi vắt vẻo trên chiếc võng mắc bên hiên nhà, miệng phì phèo khói thuốc, nâng ly trà nóng đưa lên miệng, ông Trường nói tiếp: “Mùa này cá tôm nhiều, dễ kiếm ăn. Nếu ai nhà nghèo không có tiền mua cá, làm siêng một chút ra đồng là có cá ăn cả ngày. Giờ tôm cá không còn nhiều như ngày xưa, nhưng nếu biết cách bắt và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản thì mình sẽ bắt được hoài. Tôi đặt dớn, nhưng con nào lớn, tôi bắt. Còn cá nhỏ tôi thả lại môi trường tự nhiên”.
Mấy ngày nay, ông Cường, làm thợ hồ, ngụ TP.Cà Mau chịu cảnh thất nghiệp vì chưa có công trình mới. Trong lúc rảnh rỗi, ông Cường mua lưới ra đồng giăng cá để cải thiện bữa ăn, những lúc lưới dính nhiều cá, ăn không hết, ông Cường đem bán kiếm thêm thu nhập. “Ngoài giăng lưới, tôi cũng có đặt dớn, mùa này cá với tép rong có nhiều. Giờ tép rong mình làm sạch bán có giá hơn. Ngày xưa, loài này cho người ta còn không lấy, giờ nó thành đặc sản, là món ăn của giới nhà giàu. Hôm nào vô mánh, lưới dính nhiều cá rô, dớn dính lươn, cá lóc đồng thì thu nhập cao hơn. Bình quân khoảng 170.000 – 200.000/ngày”.
Theo ông Cường, tuy số tiền không cao bằng việc làm thợ hồ, nhưng với những người dân vùng nông thôn, số tiền ấy cũng đủ nuôi sống cả gia đình họ trong vài ngày. “Những hôm cá nhiều mà thấy ham, mỗi lần đi thăm tôi phải vác lên vai đem về. Rồi đem ra chợ xã bán một buổi là hết sạch. Người dân bây giờ rất ưa chuộng cá tôm tự nhiên, tươi sống. Ngoài việc, giăng lưới đặt dớn tôi còn đi đào hang bắt cua đồng. Cua đồng giờ cũng khoảng 100.000 đồng/kg”, ông Cường cho biết thêm.
Khác với nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL, mùa nước tràn đồng ở Cà Mau thường kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Đến cuối tháng 8 âm lịch là bước vào vụ mùa mới. Khi đó, nông dân địa phương bắt đầu đặt máy bơm nước ra sông để gieo sạ lúa. Nông dân vùng chuyên canh cây lúa ở Cà Mau mỗi năm gieo sạ 2 vụ gồm, vụ lúa hè thu và vụ đông xuân.
Vào mùa vụ, nước trên ruộng sẽ được bơm khô. Khi đó, những sản vật có trên đồng sẽ theo dòng nước ra sông. Những người làm nghề đặt dớn, giăng lưới như ông Trường hay ông Cường lại thất nghiệp. Họ đành hẹn đến mùa nước tràn bờ của năm sau.
Trên những cánh đồng nước mênh mông, người đẩy xuồng đi thăm dớn, người lội thăm lưới. Gặp nhau, họ vẫy tay chào, rồi hỏi thăm nhau hôm nay bắt được nhiều hay ít cá. Những hôm bắt được nhiều cá thì gia đình lại râm ran tiếng cười nói, bữa cơm trong nhà vì thế cũng ấm áp hơn.
Nghề đặt dớn, giăng lưới bắt cá dẫu cơ cực, nhưng với người dân ở vùng quê Cà Mau lúc nào cũng lạc quan, có niềm tin vào cuộc sống. Với họ, chỉ cần bắt được nhiều cá, bán được tiền là coi như cuộc sống của họ đã no đủ. Họ chấp nhận an phận với cuộc sống hiện có của mình.