Con nước về chậm, nghề 'bà cậu' đìu hiu
Văn hóa - Ngày đăng : 15:46, 18/09/2022
Trở lại vùng nhiều cá tôm
Từ TP.Long Xuyên, người viết bài điều khiển chiếc xe máy cũ để về xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Đó là cách tốt nhất để có thể vượt qua gần 100 km để đến vùng đất này.
Chưa đến được xã Đa Phước, huyện An Phú thì chiếc xe tội nghiệp đã không thể "bò" thêm được nữa. Tôi gửi xe bên đường và thuê một chiếc xe ôm chở đến ấp Tắt Trúc, xã Nhơn Hội.
Thời tiết giữa tháng 9 mưa, nắng thất thường, thỉnh thoảng gió vùng biên thổi vào làm bụi tung mù mịt. Tôi xuống xe, ì ạch bước đi tìm các vựa thu mua cá, ốc, tép…
Trong ngôi nhà tuềnh toàng, ba bên bốn bề trống huơ trống hoác, phía trước một tốp phụ nữ đang thoăn thoắt lựa mớ cua, ốc từ các xuồng ở phía sau nhà đem lên.
Thấy tôi đứng ngó nghiêng, một người đàn ông đen nhẻm – xưng tên là Nghĩa - chỉ tay xuống nền nhà xi măng vương vãi cua, ốc và nói: “Chỗ này là vựa thu mua cua, ốc, tép của người dân đánh bắt được”.
Ông Nghĩa cho biết, vựa ông chuyên thu mua cua, cá, tép từ người dân rồi giao cho thương lái với giá 18.000 đồng/kg.
“Chúng tôi phân phối đi TP.HCM và các tỉnh lân cận, thậm chí ra tới Hà Nội. Con nước năm nay về chậm so với các năm về trước, các nguồn thủy sản cũng ít dần. Thời điểm này, lượng cua giảm đáng kể chỉ còn độ khoảng 2-3 tấn/ngày”, ông Nghĩa bộc bạch.
Cũng theo ông Nghĩa, các năm trước, nước về sớm, cảnh thu mua cá, ốc, cua tại đây nhộn nhịp như chợ Tết. Mấy năm gần đây, nước về thấp lại muộn nên nơi đây đìu hiu, vắng vẻ lạ thường.
Nói chuyện được một lúc thì một người phụ nữ bước lên từ phía sau nhà ông Nghĩa, xách 2 bao ốc ra phía chỗ tôi ngồi rồi giới thiệu tên Sen. Chị Sen khoảng 50 tuổi, dáng gầy nhưng giọng nói rất khỏe khoắn.
Chị Sen có 7 con, một đứa cháu gái ngoài 5 tháng tuổi, một nếp nhà nửa gạch nửa tôn thiếc, một chiếc xuồng máy 5 mã lực. Chiếc xuồng đó nuôi sống cả nhà. Lao động chính trong gia đình đi đánh bắt khi con nước lên chỉ có người con trai cả tên là Nam và một người em trai. Những người còn lại không có việc gì để làm.
Chị Sen bảo, nơi đây đất vui mừng nhường chỗ cho nước, những nông dân vui mừng như hóa ngư dân và mùa vàng trở thành mùa cá. Thế nhưng, con nước năm nay về chậm và mực nước thấp nên những người theo nghề bà cậu cảm giác buồn hơn.
Trên đường đến đây, tôi cũng đã kịp nhìn thấy những ngôi nhà sàn lợp thiết lấm lem và xiêu vẹo, ở đó có những người đàn bà gầy guộc, da như đồng đang mải miết ngồi lựa ra các con cua, cá đồng vừa thu hoạch được dưới sông hay cánh đồng nước sau nhà.
Thời điểm này, dớn là loại dụng cụ được người dân địa phương chuộng dùng nhất để đánh bắt cá, tôm đầu mùa. Rất hiếm hộ dân nào sống nương nhờ con nước lại không có hơn chục cái dớn.
Đặt dớn là cách bắt cá tôm quen thuộc của người sống bằng nghề “bà cậu”. Cách giăng bắt này khá đơn giản, người dân chỉ cần vài chục mét lưới mành, vài chục cây nhỏ (để cắm cố định dớn) và lưới đuôi dớn là có thể hành nghề. Số lượng giăng bắt được cũng hết sức đa dạng với các loại cá chốt, tép…
Trên cánh đồng xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, nông dân làm xong vụ lúa hè thu xả bờ chờ con nước về. Ông Nguyễn Văn Năm (62 tuổi, ngụ xã An Phú) đứng nhìn con nước trước cửa nhà. Thấy con nước lên chậm ông Năm cũng chẳng thiết tha soạn dớn, lưới đã cất kỹ từ mùa nước trước.
“Năm ngoái tầm tháng 9 nước về lút đầu. Năm nay con nước chỉ mới ngang ngực mà lại lên nhanh nhưng rút cũng nhanh. Mấy hổm rày, gia đình đặt hơn chục cái dớn rải đều mà không thu được bao nhiêu. Vì vậy, gia đình tui chuyển qua giăng lưới ở mép cống trên các dòng kênh thì nguồn cá thu được khoảng 5 kg cá tạp, xem như có tiền mua gạo, bánh cho con cháu”, ông Năm bộc bạch.
Cũng theo ông Năm, khi muốn thả lưới dính cá nhiều ở những con kênh, thường những người có kinh nghiệm luôn xác định những đoạn kênh có nhiều tôm, cá đổ ra. Sau đó, họ bơi xuồng thả lưới dọc từ đầu kênh bên này sang bên kia. Trong khoảng thời gian ngắn, họ bơi xuồng thu lưới thì dính vài chục ký cá tạp cho mỗi mẻ lưới là chuyện nhỏ.
“Nhưng con nước năm nay lại khác, cá tôm ít ỏi loay hoay trong ngày kiếm khoảng 8 kg tôm, cá là người đó được bà cậu “độ” lắm”, ông Năm nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tấn (56 tuổi, ngụ huyện An Phú) cho biết, mùa lũ năm ngoái, với 8 cái dớn gia đình xuôi theo con kênh hay ra đồng cũng kiếm ít cũng vài chục ký cá tạp và cá mè Vinh.
“Thời điểm này, từ khuya tới sáng tui kiểm được 2 kg cá tạp, con nước năm nay đã chậm lại thêm cá ít...”, ông Tấn tâm tình.
Nhịp sống chậm khi con nước về chậm
Đã trung tuần tháng 9, con nước vẫn còn chậm, cuộc sống nghề bà cậu ở vùng nông thôn dường như cũng chậm hẳn. Năm nay, mọi người không còn chộn rộn như những năm trước nên trước mỗi buổi đánh bắt, họ thường ăn sáng chậm hơn và thời gian đánh bắt cũng không nhất định.
Sau buổi đánh bắt cá tôm, những thanh niên tranh thủ thời gian sửa soạn lưới cá hoặc sửa chữa dớn.
Mùa nước nổi là một trong những nét đặc trưng của miền Tây. Nước về giúp đồng ruộng vệ sinh, bồi đắp phù sa, diệt trừ cỏ dại, chuột... Nước cũng mang về các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, bông điên điển... Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8 -11 dương lịch.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, mùa lũ năm nay mực nước cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,7 m, dự báo đỉnh lũ có thể xuất hiện sau khoảng 1 tháng nữa. Những năm gần đây, do tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông và biến đổi khí hậu, nên mùa lũ hàng năm cũng thất thường, năm cao, năm thấp, có năm gần như không có lũ.