Thiếu giáo viên kéo dài, học sinh rất thiệt thòi khi tiếp cận chương trình mới
Giáo dục - Ngày đăng : 21:29, 14/09/2022
Báo cáo tình hình triển khai chương trình sách giáo khoa (SGK) mới tại địa phương, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp Trịnh Vĩnh Thanh cho biết, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của quận Gò Vấp đạt 82,86% (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm học 2021-2022). Trong đó, ở bậc tiểu học, có 73,30% học sinh được học 2 buổi/ngày. Bậc THCS đạt tỉ lệ 96,93%. Hiện các trường chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh, sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định.
Bên cạnh đó, số lượng giáo viên dạy tiếng Anh và tin học còn thiếu, quá trình tuyển dụng gặp khó khăn do có ít ứng viên tham gia tuyển dụng. Nguyên nhân khó tuyển giáo viên là do thu nhập rất thấp, nhất là giáo viên mới ra trường nên họ không tham gia dự tuyển. Ngay như bậc mầm non, sau đại dịch, nhiều giáo viên chuyển công tác sang trường tư để có thu nhập cao hơn.
Hiệu trưởng trường THCS Gò Vấp Hoàng Thị Thu bày tỏ, đơn vị còn thiếu giáo viên ở các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Toán, Sinh học, Âm nhạc và Thể dục. Trong đó, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn, các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý), các môn và hoạt động giáo dục mới (Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương) gặp rất nhiều khó khăn do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy.
Trao đổi tại buổi làm việc, đại biểu Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhìn nhận, việc thiếu giáo viên, không tuyển được đã được nói rất nhiều, diễn ra ở tất cả các quận, huyện. Do đó, để tháo gỡ, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Nội vụ cần phối hợp tìm hiểu, đánh giá và đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời cho vấn đề này. Phải hiểu vì sao thiếu, phải chăng vì chế độ, chính sách chưa xứng đáng hay vì lí do gì khác. Vì càng kéo dài, học sinh sẽ rất thiệt thòi khi tiếp cận chương trình mới.
Để giải quyết các khó khăn đó, quận Gò Vấp kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.
Tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngoài việc truyền đạt kiến thức còn hướng đến việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kiến thức lịch sử địa phương, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất cho người học. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề như thiếu giáo viên, yêu cầu về trang thiết bị dạy học…
Bà Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận thực tế và những kiến nghị của quận cũng như các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đây sẽ là cơ sở để đoàn sẽ kiến nghị lên các cấp cao hơn như UBND TP.HCM, Bộ GD-ĐT để tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, ông Trần Ngọc Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Trước đây, do giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng đảm nhận nhiệm vụ dạy đa môn trong chương trình mới nên gặp khó khăn là khó tránh khỏi.