Nông dân Ukraine trồng cây lấy dầu, giảm lúa mì lúa mạch

Quốc tế - Ngày đăng : 18:10, 11/09/2022

Từ sự chuyển đổi này, chính phủ Ukraine lên kế hoạch xây một tuyến ống dẫn “bất thường” để xuất khẩu dầu ăn thực vật qua Ba Lan và đến các nước.
grain-pa.jpg
Ngũ cốc được thu hoạch trong vụ hè ở Ukraine - Ảnh: PA

Từ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, hiện nông dân các vùng của Ukraine lại bắt đầu trồng lúa mì vụ đông, lúa mạch đen, lúa mạch và hạt cải dầu. Nhưng Bộ Nông nghiệp Ukraine nhận định diện tích đất trồng cây lương thực sẽ giảm khoảng 35% trong năm 2022.

Thứ trưởng Taras Vysotsky cho biết, chỉ riêng đất trồng lúa mạch đen sẽ không giảm vì mặt hàng này cần đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước. Đất trồng lúa mì vụ đông và lúa mạch sẽ giảm do vụ thu hoạch năm nay sẽ dồi dào. Ngoài ra, 2 loại nông sản này cũng tồn kho lớn từ lúc các cảng biển Ukraine bị bao vây nên không thể xuất khẩu.

Theo ông Vysotsky, thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen (BSGI) để xuất khẩu ngũ cốc Ukraine đang đạt hiệu quả. Trong tháng 8, Ukraine đã xuất khẩu được 4 triệu tấn và dự kiến trong tháng 9 này sẽ có thêm 5 triệu tấn rời cảng.

Tuy nhiên, nhà nông Ukraine vẫn lo lắng cho tương lai vì chưa thể rõ chuyện gì sẽ xảy ra khi BSGI hết hiệu lực. Theo báo Đức Deutsche Welle ngày 10.9, Nga đã tỏ ý không hài lòng với BSGI dù Nga và Ukraine từng đạt thỏa thuận này hồi tháng 7. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã tuyên bố không loại trừ khả năng để BSGI hết hiệu lực vào tháng 11 tới. Đó là lý do nhà nông Ukraine chuyển qua trồng cây lấy dầu để thay thế cây lương thực. 

Thứ trưởng Vysotyky ghi nhận tình hình trồng cây cải dầu (để sản xuất dầu hạt cải) đang tăng. Loại cây này cũng được gieo vào mùa đông như đậu nành và hạt hướng dương. Ông cho biết có thể 1 triệu ha cây cải dầu sẽ được gieo trong năm 2022: “70% đã được gieo trồng hạt cải dầu, điều cho thấy nhà nông đang chú ý tới các loại cây lấy dầu”.

Nhà nông thiếu vốn để trồng cây lương thực

Việc nhà nông Ukraine chuyển đổi cây trồng là do chi phí sản xuất tăng, theo bà Svitlana Lytvyn của Câu lạc bộ Kinh doanh nông nghiệp Ukraine (UCAB). Bà giải thích rằng việc trồng ngũ cốc ngày càng không có lời, do có nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu qua các cảng biển. Giá nhiên liệu và phân bón cũng cao hơn trong khi giá bán ngũ cốc giảm mạnh nên không thể bù đắp chi phí.

Bà Lytvyn nói: “Ukraine cũng còn nguồn cung ngũ cốc lớn nên giá bán lại càng hạ. Đó là lý do nhà nông không có vốn để gieo trồng theo ý muốn, điều này khiến họ lo sợ cho tương lai”.

Giá dầu cải đang được Ukraine giao dịch hiện cao hơn giá ngũ cốc gấp 2 lần. Việc bán ngũ cốc gặp nhiều khó khăn nên không ai có thể kiếm lời, nhưng nhà nông vẫn nỗ lực gỡ lại vốn, theo Viktor Goncharenko - Chủ tịch Hiệp hội Nông dân và chủ đất tư Ukraine.

grain-pa-2.jpeg
Ngũ cốc Ukraine được xuất khẩu nhờ BSGI - Ảnh : PA

Hạt có dầu cần được chế biến để có giá tốt hơn

Bà Lytvyn xác nhận giá ngũ cốc hạ đang buộc nhà nông chuyển qua trồng cây lấy dầu vì có lời hơn. Bà nói Ukraine có đủ năng lực công nghiệp để chế biến hạt hướng dương thành dầu ăn xuất khẩu. Trước khi xảy ra chiến tranh, Ukraine từng xuất khẩu dầu hạt hướng dương đến 107 quốc gia, chủ yếu là xuất tới các nước châu Âu.

“Trước chiến tranh, Ukraine chiếm một nửa trong tổng sản lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu, và mảng xuất khẩu đang hồi phục mạnh. Lúc chiến tranh mới bắt đầu đã bán được nhiều hạt, nhưng nay người ta lại có thể xuất khẩu nhiều dầu hướng dương trong khi giảm xuất khẩu hạt”, bà nói.

Mặt khác, Ukraine không có khả năng chế biến đậu nành và hạt cải dầu thành dầu ăn. Các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư sẽ làm theo cách chuyển đổi cây trồng của nhà nông Ukraine, và họ cũng sẽ bơm thêm tiền vào khả năng chế biến.

Bà Lytvyn giải thích: “Trước đây, hạt cải dầu và đậu nành được xuất khẩu dưới dạng thô. Nhưng cách này đang trở nên khó làm, và đó là lý do người ta dần phát triển khả năng chế biến các loại hạt dầu này”.

grain-pa-3.jpg
Nông dân Ukraine lo lắng vì ngũ cốc dư thừa - Ảnh : PA

Xây đường ống để xuất khẩu dầu thực vật

Từ việc nhà nông chuyển đổi cây trồng, chính quyền Ukraine cũng có những thay đổi và quyết tâm tăng xuất khẩu dầu ăn. Ngày 6.9, Kyiv đã ký một thỏa thuận với chính phủ Ba Lan để xây một tuyến ống dẫn dầu thực vật Ukraine đến thành phố cảng Gdansk (Ba Lan).

Thứ trưởng Vysotsky cho biết: “Dự án dài hạn này sẽ làm thay đổi thị trường. Ý tưởng là xuất khẩu dầu ăn thực vật đến các nước thứ 3 thông qua cảng Ba Lan. Dự kiến lượng xuất khẩu đạt được 2 triệu tấn dầu ăn/năm”. Ông giải thích đây là tuyến ống dẫn dầu “chưa từng có trên thế giới”. Chiến tranh đã buộc Ukraine phải tìm các giải pháp thay thế bất thường nhằm có thể xuất khẩu nông sản.

Ông Vysotsky nói một khi chiến tranh kết thúc vẫn sẽ còn nhu cầu sử dụng tuyến ống dẫn này “vì Ukraine là nước dẫn đầu về xuất khẩu dầu ăn thực vật và sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì vị thế này”. Ông cũng kỳ vọng Ukraine sẽ sẵn sàng xuất khẩu dầu có được từ vụ thu hoạch năm nay thông qua tuyến ống dẫn này.

Bảo Vĩnh