Dầu ăn đã qua sử dụng trở thành ‘vàng lỏng’ bị trộm nhiều ở Nhật Bản
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:26, 08/09/2022
Theo báo Asahi Shimbun, giới đạo chích Nhật Bản ngày nay không còn ưa trộm các sản phẩm sang chảnh mà chúng “quay xe” trộm các can nhựa 18 lít chứa dầu ăn đã qua sử dụng (từ đây viết tắt là OW) vốn được các nhà hàng ăn đặt ở cửa trước vào mỗi đêm, sau khi đóng cửa. Bọn trộm đã “hớt tay trên” của người chuyên thu mua.
Một thời là rác, nay dầu ăn là “vàng lỏng”
Tuy nhiên, không chỉ có bọn trộm quan tâm đến OW, một sản phẩm thừa saukhi nấu ăn vốn từng bị đổ bỏ nhưng nay lại có giá thu mua cao.
Một nhân viên tái chế ở Tokyo nói: “Chúng tôi từng tính phí thu hồi OW nhưng sau này loại rác thải công nghiệp đó lại có giá, và bây giờ chúng tôi phải bỏ tiền mua lại chúng. Và đang có rất nhiều người nhảy vào thị trường này”.
Giá OW bắt đầu tăng từ khoảng đầu năm 2021 do xuất khẩu tăng. Sản phẩm này được đưa vào các nhà máy tái chế và tái sử dụng làm nhiên liệu đốt, nên được xem là một nguồn năng lượng tái tạo tốt.
Và vì OW còn là một nguyên liệu thô để tạo ra xăng máy bay, nó trở thành một mặt hàng cần thiết cho ngành hàng không vốn bị “soi” vì thải phát khí Carbon dioxide.
Nhu cầu OW đang cao ở châu Âu. Nhưng Nhật xuất khẩu tối đa sản phẩm này sang Singapore, nơi có một nhà máy sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Số liệu thương mại cho thấy khối lượng OW xuất sang đảo quốc Singapore đã tăng ổn định từ năm 2018 lên tới 42.000 tấn trong năm 2021, tức nhiều hơn gấp 2, 3 lần so với 3 năm trước đó.
OW xuất qua Singapore cũng tăng về giá, từ 68 Yen (50 cent Mỹ) một ký lên 97 Yen/kg trong cùng thời gian nêu trên. Còn trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trung bình là 159 Yen/kg.
Siêu thị lập điểm thu mua OW để thu hút khách mua sắm
Với hy vọng nhu cầu thu mua OW sẽ tiếp tục tăng, công ty UCO Nhật Bản (chuyên tổ chức và điều phối các đơn vị thu mua OW và các nhà máy tái chế) đang nhìn tới “vô số mỏ OW” ở các khu đô thị. Công ty này đã lập một “dự án phát triển nguồn lực bị sử dụng ít” để thu hồi OW và ước tính sẽ thu được khoảng 100.000 tấn/năm.
Các quan chức UCO cho biết, mỗi năm Nhật thu về khoảng 400.000 tấn OW từ các nhà máy chế biến thực phẩm, nhà hàng ăn, cửa hàng tiện lợi và các cơ sở khác. Nhật đã xuất khẩu khoảng 120.000 tấn từ số OW đó trong năm 2021, tăng 33% so với năm 2020.
Hồi cuối tháng 7, các quan chức cấp cao UCO đã kiểm tra các điểm thu mua OW ở các siêu thị và các cơ sở công ích ở thành phố Sapporo, thủ phủ của Hokkaido.
Chính quyền thành phố này đã đặt 370 điểm thu mua OW từ năm 2006. Mỗi điểm có một hộp chứa đặt gần thùng rác tái chế là các chai nhựa hoặc thùng carton. Mỗi năm, chính quyền thu về khoảng 240.000 lít OW từ các điểm thu mua này.
Mỗi tháng có thêm từ 500- 600 du khách thải bỏ từ 300-400 lít OW tại điểm thu mua của từng siêu thị, theo Giám đốc Shinichi Maeda của Oil Recycle, một công ty chuyên thu hồi dầu ăn đã qua sử dụng ở khoảng 300 điểm thu.
Ông nói thêm: "Các siêu thị chớp lấy cơ hội tiếp nhận dầu ăn đã qua sử dụng, vì “người ta đem đổ chúng vào hộp tái chế ở siêu thị nào thì sẽ đi mua sắm ngay tại siêu thị đó”'.