Khởi động Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:23, 08/09/2022

Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022 đã chính thức khởi động sáng nay 8.9.

Ngày 8.9 tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) và Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức Lễ khởi động và ký kết hợp tác Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam năm 2022.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam là một báo cáo thường niên, chuyên cập nhật các thông tin về đổi mới sáng tạo mở dành cho doanh nhân, công ty khởi nghiệp, tập đoàn lớn và nhà đầu tư tại Việt Nam cũng như toàn cầu.

Đáng chú ý, nguồn dữ liệu trong báo cáo được tư vấn, bảo đảm uy tín thông qua đội ngũ hơn 50 chuyên gia đầu ngành và các nhà sáng lập startup hàng đầu.

khoi-dong-bao-cao-toan-canh-doi-moi-sang-tao-mo-viet-nam-nam-2022.jpg
Lễ khởi động được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 8.9 - Ảnh: T.A

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN chia sẻ: “Năm 2021 là bước thử nghiệm đầu tiên khi chúng ta mạnh dạn làm báo cáo toàn cảnh về đổi mới sáng tạo mở. Năm nay, nội hàm của báo cáo sẽ đề cập nhiều hơn đến hệ sinh thái và những người xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Nhìn vào những dữ liệu, phân tích từ các chuyên gia, chúng ta sẽ rút ra được những định hướng bổ ích”.

Được biết, năm 2022 là năm thứ 2 Báo cáo toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam được thực hiện với tên gọi “Vùng đất sáng tạo” để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo mở phổ biến ngày một sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó, báo cáo sẽ được phát hành chính thức tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vào cuối năm nay.

Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Quất tại lễ khởi động, trong Hội nghị giao ban vùng các tỉnh phía bắc, Bộ KH-CN đã công bố kế hoạch triển khai chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng được Bộ KH-CN nêu lên chính là đo lường chỉ số đổi mới sáng tạo của các địa phương, nhằm phát huy thế mạnh đặc thù, từ đó định hướng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

khoi-dong-bao-cao-toan-canh-doi-moi-sang-tao-mo-viet-nam-nam-2022-2-.jpg
Ông Phạm Hồng Quất phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: T.A

Ông Quất kỳ vọng BambuUP sẽ cùng các đối tác chiến lược, cùng cộng đồng, các hiệp hội doanh nghiệp, sở ngành, Đoàn thanh niên… đồng hành trong thử thách này. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư, cũng như sự tham gia của các tổ chức có kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái địa phương… là điều vô cùng quan trọng.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN nhấn mạnh: “Những nhận định của chuyên gia rất có giá trị với lãnh đạo địa phương, lãnh đạo bộ ngành. Bộ KH-CN rất mong muốn nhận được những phân tích liên quan đến ngành nghề thế mạnh của địa phương, sự liên kết vùng để đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo sự đồng nhất, sự giao thoa nhất định giữa các địa phương”.

Thu Anh