Ấn Độ khám xét các hãng thanh toán online Trung Quốc vì nghi tống tiền, quấy rối khách hàng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:17, 04/09/2022

Tổng cục Thực thi, cơ quan chống tội phạm tài chính liên bang của Ấn Độ, vừa cho biết đang khám xét cơ sở của các công ty thanh toán trực tuyến trong khuôn khổ cuộc điều tra các hãng và cá nhân do Trung Quốc kiểm soát bị nghi ngờ có hoạt động cho vay bất hợp pháp.

3 công ty thanh toán trực tuyến bị kiểm tra là Razorpay Pvt Ltd, Cashfree Payments và Paytm Payment Services Ltd, Tổng cục Thực thi Ấn Độ cho hay. Công ty mẹ của Paytm Payment Services Ltd là One 97 Communications Ltd.

"Các cơ sở của Razorpay Pvt Ltd, Cashfree Payments, Paytm Payment Services Ltd và các tổ chức do người Trung Quốc kiểm soát hoặc điều hành đều nằm trong hoạt động tìm kiếm", Tổng cục Thực thi Ấn Độ tuyên bố.

Các cuộc điều tra đang được tiến hành tại thành phố công nghệ Bengaluru của Ấn Độ. Đây là một phần của cuộc điều tra liên quan đến ứng dụng cho vay của Trung Quốc, bị cáo buộc tống tiền và quấy rối khách hàng đã vay các khoản vay nhỏ, Tổng cục Thực thi Ấn Độ nói thêm.

Các tổ chức và cá nhân do Trung Quốc kiểm soát đã bị Tổng cục Thực thi buộc tội làm giả danh tính của các giám đốc công ty Ấn Độ để rửa tiền thu được từ tội phạm.

Cơ quan này đã thu giữ 170 triệu rupee Ấn Độ (2,13 triệu USD) trong ID người bán và tài khoản ngân hàng của các thực thể do người Trung Quốc kiểm soát. Tổng cục Thực thi không nêu tên các công ty hoặc cá nhân đã thu giữ tiền từ đó.

Các giao dịch đã được thực hiện thông qua các tài khoản người bán khác nhau được tổ chức với các cổng thanh toán và ngân hàng, theo Tổng cục Thực thi.

Người phát ngôn Paytm Payment Services Ltd cho biết trong một tuyên bố với Reuters: "Một số thương nhân của chúng tôi đã bị cơ quan thực thi pháp luật điều tra khoảng một năm rưỡi trở lại đây. Là một phần của cuộc điều tra đang diễn ra, các nhà chức trách đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin để hỗ trợ điều tra".

Paytm Payment Services Ltd nói đã chia sẻ các chi tiết khác với các nhà chức trách. Theo công ty này, các cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra một nhóm người cho vay cụ thể và đã liên hệ với công ty để được cung cấp thông tin nhất định về những người này dưới sự giám sát kỹ lưỡng.

"Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các nhà chức trách và vẫn tuân thủ đầy đủ", Paytm Payment Services Ltd nói thêm.

Cashfree Payments không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

an-do-kham-xet-cong-ty-thanh-toan-online-trung-quoc-vi-nghi-tong-tien-quay-roi-khach-hang.jpg
Paytm Payment Services Ltd là một trong những hãng thanh toán online Trung Quốc bị Ấn Độ khám xét vì nghi tống tiền, quấy rối khách hàng

Thời gian qua, một số thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc cũng bị chính quyền Ấn Độ điều tra. Đầu tháng 7, Tổng cục Thực thi đã đột kích hàng chục văn phòng địa phương của Vivo và đóng băng các tài khoản ngân hàng công ty này vì nghi ngờ rửa tiền.

Tổng cục Thực thi cho biết hôm 8.7 rằng đã thu giữ 119 tài khoản ngân hàng liên kết với Vivo Ấn Độ, tổng số tiền là 58,7 triệu USD.

Vài ngày sau, Bộ Tài chính Ấn Độ khám xét trụ sở văn phòng thương hiệu "chị em" của Vivo là Oppo, cáo buộc hãng này trốn thuế hải quan trị giá 550 triệu USD.

Cuối tháng 4, chính phủ Ấn Độ đã thu giữ 725 triệu USD từ Xiaomi vì cáo buộc chuyển tiền bất hợp pháp, sau khi các quan chức hồi tháng 1 yêu cầu công ty phải trả khoảng 87,8 triệu USD thuế nhập khẩu quá hạn.

Ngày 30.4, Ấn Độ đã thu giữ 725 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng địa phương của Xiaomi sau khi một cuộc điều tra phát hiện nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc đã chuyển tiền bất hợp pháp cho các thực thể nước ngoài bằng cách chuyển chúng dưới hình thức thanh toán tiền bản quyền.

Tổng cục Thực thi cho biết đã điều tra hoạt động kinh doanh của Xiaomi do cáo buộc vi phạm luật ngoại hối của Ấn Độ thông qua chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Cơ quan chống tội phạm tài chính Ấn Độ cùng ngày thông báo đã thu giữ tài sản trong tài khoản ngân hàng từ Xiaomi Technology India Private Limited sau khi phát hiện công ty này đã chuyển số ngoại tệ tương đương 55,5 tỉ rupee cho ba pháp nhân ở nước ngoài, trong đó có một pháp nhân thuộc Xiaomi, với “vỏ bọc” thanh toán tiền bản quyền.

Cơ quan này cho biết thêm, việc chuyển tiền cho hai thực thể không xác định và không liên quan khác có trụ sở tại Mỹ cũng vì lợi ích cuối cùng của các thực thể thuộc Xiaomi.

Ban Giám đốc Tổng cục Thực thi Ấn Độ tuyên bố: “Số tiền khổng lồ đó dưới danh nghĩa tiền bản quyền đã được nộp theo hướng dẫn của các đơn vị thuộc tập đoàn mẹ Trung Quốc”.

Trường hợp này đã được báo cáo rộng rãi ở Trung Quốc, đưa ra lời nhắc nhở khác về những cạm bẫy tiềm ẩn trong việc kinh doanh tại nước ngoài.

Vào tháng 2, các quan chức thuế Ấn Độ đã tiến hành khám xét các văn phòng của Huawei.

Cuối tháng 7, Zhao Ming, Giám đốc điều hành Honor, đã rút đội của mình khỏi Ấn Độ do chính quyền nước này tiếp tục thắt chặt giám sát các công ty Trung Quốc.

Honor, thương hiệu smartphone trước đây thuộc về Huawei, đã thành lập đội ở Ấn Độ cách đây vài năm nhưng quyết định rời đi vì “lý do rõ ràng”.

Zhao Ming cho biết hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ của Honor sẽ vẫn hoạt động, do các đối tác địa phương quản lý, nhưng sẽ áp dụng “cách tiếp cận rất an toàn”.

Căng thẳng đã gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau cuộc đụng độ quân sự chết người vào năm 2020 tại biên giới Himalaya đang tranh chấp giữa hai nước.

Vào tháng 6.2020, hai tuần sau cuộc đụng độ, Ấn Độ đã nhắm mục tiêu vào các hãng công nghệ Trung Quốc, gồm cả Tencent Holdings, Baidu và Alibaba Group Holding. Ấn Độ cũng cấm 59 ứng dụng di động Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, trong đó có TikTok.

Kể từ đó, chính phủ Ấn Độ đã cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc (trên 270 ứng dụng cho đến nay), làm tổn hại đến tham vọng của các hãng công nghệ ở nơi được coi là thị trường tăng trưởng tuyệt vời tiếp theo.

Cơn bão quy định mới nhất của Ấn Độ làm dấy lên những lời chỉ trích từ Trung Quốc, nơi cho rằng các cuộc điều tra thường xuyên với các công ty smartphone nước này làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh bình thường và sẽ “cản trở việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Ấn Độ”.

Mặc tranh chấp với Trung Quốc, Ấn Độ (nơi có ít nhất 800 triệu người dùng internet và dự kiến ​​sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới) vẫn là thị trường quốc tế quan trọng với các nhà sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc do quy mô và dân số trẻ.

Tại quê nhà, các thương hiệu Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thị trường bão hòa, sự đàn áp trong lĩnh vực công nghệ và dân số già nhanh chóng.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, các thương hiệu smartphone Trung Quốc đã thống trị thị trường Ấn Độ nhờ vào mức giá phải chăng.

Xiaomi vẫn là thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Ấn Độ trong quý 2/2022 với 7 triệu chiếc được xuất xưởng, vượt Samsung Electronics (gã khổng lồ smartphone Hàn Quốc) với 16%, trong khi Vivo, Oppo và Realme đều đứng trong top 5, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Canalys.

Nhìn chung, các công ty Trung Quốc đã xuất xưởng 76% tổng số smartphone trên thị trường Ấn Độ.

Từng chiếm 3% thị phần ở Ấn Độ trong thời kỳ đỉnh cao vào năm 2018, Honor đã rơi khỏi top 5 sau khi chính phủ Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt tê liệt với Huawei.

Để giúp Honor vượt qua các hạn chế thương mại của Mỹ, Huawei vào năm 2020 đã bán thương hiệu smartphone giá rẻ này cho một tập đoàn do chính quyền Thâm Quyến đứng đầu. Tháng 10.2021, Honor đã nối lại quan hệ đối tác với Google và ra mắt chiếc smartphone được trang bị các ứng dụng của Google bên ngoài Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi từng lên tiếng phản đối các cuộc điều tra thường xuyên của Ấn Độ với các công ty nước mình.

Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo về những tác động với môi trường kinh doanh của Ấn Độ và niềm tin của nhà đầu tư sau khi văn phòng địa phương của nhà sản xuất smartphone Vivo bị chính quyền lục soát trong cuộc điều tra cáo buộc rửa tiền.

Cuộc điều tra diễn ra sau những động thái tương tự với hãng sản xuất smartphone Xiaomi và gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei.

Các cuộc điều tra đã làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh bình thường và sẽ cản trở việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Ấn Độ bằng cách làm tổn hại đến sự tự tin và thiện chí của các thực thể nước ngoài đang tìm cách kinh doanh tại nước này”, Tham tán Wang Xiaojian, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ, cho biết trong tuyên bố.

Đại sứ quán Trung Quốc cho biết đang theo sát vấn đề và hy vọng rằng Ấn Độ sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại nước này.

Cả Huawei, Xiaomi, Vivo cho biết luôn tuân thủ luật pháp, quy định của địa phương và sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng. Ở Trung Quốc, các động thái từ Ấn Độ được coi là các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các công ty của nước này.

Ấn Độ đã chính trị hóa các vấn đề kinh tế với Trung Quốc kể từ khi căng thẳng giữa hai nước bùng phát vào tháng 6.2020, với sự kìm hãm ngày càng tăng với các công ty Trung Quốc hoạt động tại nước này”, trích bài viết được xuất bản bởi Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm thuộc Nhân dân Nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sơn Vân