Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 9: Siết chặt hoạt động từ thiện cá nhân

Sự kiện - Ngày đăng : 20:09, 01/09/2022

Làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp là một trong những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9.

Làm từ thiện phải ghi chép đầy đủ kết quả tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp

Thông tư số 41/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1.9 tới.

Theo Thông tư, tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức kế toán riêng đối với các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.

Các cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định; đồng thời lập báo cáo và công khai tình hình tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng nêu rõ, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện mà không tổ chức kế toán riêng thì được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị theo chế độ kế toán hiện hành mà đơn vị đang áp dụng.

Đồng thời, mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản thu, chi cho các hoạt động từ thiện, gồm: các khoản đã tiếp nhận, các khoản đã phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho mục đích xã hội, từ thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, rõ ràng.

Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng tiền, đơn vị phải ghi chép theo dõi đầy đủ các khoản đã tiếp nhận theo thời gian đóng góp thực tế, chi tiết theo nhà tài trợ. Đơn vị phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng hoặc kho bạc để tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, không được sử dụng chung tài khoản với các hoạt động khác của đơn vị.

Đối với khoản tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, đơn vị tiếp nhận chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ nhận hỗ trợ. Đơn vị phải hạch toán ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ và việc phân phối số hiện vật này trên cơ sở bảng kê, chứng từ có chữ ký của người nhận, xác nhận của đơn vị có trách nhiệm tại địa phương theo quy định của pháp luật...

Gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin

Từ 1.9, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19.7.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.1.2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực thi hành.

Trong đó, bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 11: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Cản trở hoạt động tố tụng bị phạt tiền đến 80 triệu đồng

Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực từ ngày 1.9. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân là 40 triệu đồng, của tổ chức là 80 triệu đồng.

Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, Pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.

6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng

Có hiệu lực từ ngày 12.9, Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29.7.2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18.12.2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4 Điều 4 đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.

Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể với 6 trường hợp.

Quy định mới về chế độ trợ cấp đối với người có công

Có hiệu lực từ ngày 5.9, Thông tư 44/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

Thông tư nêu rõ, 2 đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng gồm: Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong ngành công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg; quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội, đã phục viên, xuất ngũ về địa phương theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, thực hiện trợ cấp hàng tháng và trợ cấp 1 lần đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg;...

Tuyết Nhung