Tân Tổng thống Philippines ‘tái xoay trục’ về Mỹ?

Quốc tế - Ngày đăng : 11:57, 27/08/2022

Tổng thống mới đắc cử của Philippines Ferdinand Marcos Jr chuẩn bị thăm Singapore, Indonesia và có thể là Mỹ trước cuối năm nay. Các chuyến thăm sẽ cung cấp chỉ dấu cho biết ông dự định lèo lái đất nước như thế nào trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung đang gay gắt.

Nhà bình luận chính trị Richard Heydarian, giảng viên đại học Philippines nhận định, tân Tổng thống Marcos Jr giống cha của mình là cố Tổng thống Ferdinand Marcos - nhân vật lãnh đạo được Mỹ ủng hộ trước khi bị lật đổ năm 1986: “Tôi nghĩ ông ấy theo đuổi chính sách đối ngoại đa phương, muốn giữ mối quan hệ với các cường quốc ở mức cân bằng, tranh thủ đạt được nhượng bộ và lợi ích tối đa từ mỗi mối quan hệ chứ không phụ thuộc hay xa lánh bên nào cả”.

ta62310419_303.jpg
Tân Tổng thống Ferdinard Marcos Jr - Ảnh: Reuters

Ông đánh giá chính sách đối ngoại “độc lập” của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte giống như “xoay trục” về phía Trung Quốc nhiều hơn.

“Không như Duterte, Marcos Jr không có lịch sử thù hận với Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố các phiên tòa chống lại ông ở Mỹ không ảnh hưởng đến ông khi sang thăm. Phần lớn thành viên gia đình tân Tổng thống đều được học ở phương Tây. Nhiều yếu tố cá nhân lẫn yếu tố tâm lý khiến Marcos Jr khác với Duterte”, nhà bình luận Heydarian phân tích.

Vài yếu tố khác cũng quan trọng không kém: người dân Philippines ủng hộ Mỹ hơn Trung Quốc, hệ thống tổ chức quốc phòng ở Philippines rất hữu ích cho việc duy trì duy trì mối quan hệ bền vững với Mỹ, tâm lý hoài nghi Trung Quốc.

Mỹ cũng không xem nhẹ Philippines. Ngay cả khi tình hình Đài Loan căng thẳng vì Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn có mặt tại Manila tái cam kết liên minh song phương.

Đây là chuyến thăm quan trọng. Một khảo sát năm 2017 chỉ ra rằng đa số người Philippines muốn tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ hơn là với Trung Quốc và Nga, tuy nhiên cũng có nhiều người nghi vấn mức độ tin cậy của Washington.

Philippines có vai trò quan trọng trong cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung. Lãnh thổ trên biển của họ chiếm một phần Biển Đông – tuyến hàng hải chiến lược, giàu tài nguyên mà Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền phi lý.

Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhưng ông Marcos Jr, ở nhiều cuộc phỏng vấn trong lúc tranh cử lại tuyên bố phán quyết “không hiệu quả” vì Trung Quốc không công nhận, vì vậy ông sẽ tìm cách đạt thỏa thuận song phương để giải quyết bất đồng.

Chuyên gia an ninh sống tại Manila Rommel Banlaoi lại đánh giá chính trị gia Marcos Jr sẵn sàng xây dựng quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng không nhượng bộ về lãnh thổ.

Theo chuyên gia Banlaoi: “Ông ấy sẵn sàng tham vấn trực tiếp và đàm phán song phương với Trung Quốc để giải quyết bất đồng. Ông ấy cũng sẵn sàng khám phá các lĩnh vực hợp tác thực tế với Trung Quốc, trong đó có phát triển khí đốt tự nhiên và dầu ở biển Tây Philippines”.

Cẩm Bình