Bị Mỹ đưa vào danh sách đen, công ty dữ liệu vệ tinh Trung Quốc xem nhẹ lệnh trừng phạt

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:35, 25/08/2022

Nhà thiết kế chip và điều hành dữ liệu vệ tinh dân sự Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology nằm trong số 7 thực thể mới của Trung Quốc bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại do lo ngại an ninh quốc gia.

Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology cho biết động thái từ Mỹ sẽ không có bất kỳ "tác động vật chất" nào với hoạt động của họ.

Được biết đến với cái tên Zhuhai Orbita Control Systems trước tháng 9.2017, công ty vừa được đề cập trong tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ cùng hai viện nghiên cứu thuộc China Aerospace Science and Technology Corp, hai viện thuộc Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc và hai viện khác trực thuộc hãng công nghệ quân sự nhà nước China Electronics Technology Group Corp.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã thêm các đối tượng đó vào danh sách thực thể vì “mua và cố gắng mua các mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc”. Các công ty Mỹ bây giờ sẽ cần giấy phép xuất khẩu để bán hàng cho họ.

Được niêm yết tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology cho biết tuân thủ luật pháp, quy định và tất cả các hoạt động kinh doanh của họ vẫn bình thường. Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology cũng thông báo nằm dưới sự quản lý của Ủy ban tài sản nhà nước thành phố Chu Hải.

Theo báo cáo thường niên 244 trang của Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology năm 2021, công ty được thành lập vào năm 2000 bởi Yan Jun, công dân Canada vào thời điểm này nhưng sau này đã nhập quốc tịch Trung Quốc. Năm ngoái, hoạt động kinh doanh chip đã đóng góp tới 20% tổng doanh thu của công ty, trong khi 60% đến từ dữ liệu vệ tinh dân sự do vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp Zhuhai No 1 thu về.

Doanh thu Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology trong 2021 giảm 20% so với một năm trước đó xuống còn 700 triệu nhân dân tệ (105 triệu USD), với lợi nhuận giảm 60% xuống còn 42 triệu nhân dân tệ.

Hoạt động kinh doanh ảm đạm của Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology đã thu hút sự chú ý từ Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, hồi tháng 5 yêu cầu công ty trả lời công khai 11 câu hỏi về tài chính doanh nghiệp của mình.

Các hoạt động của Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt kể từ đầu năm 2020 vì các khách hàng lớn của công ty - bao gồm quân đội, chính quyền địa phương và các công ty nhà nước - cắt giảm mua sắm để tập trung vào chống dịch. Thư ký hội đồng quản trị của công ty nói điều này trong một cuộc phỏng vấn với trang Sina hồi tháng 6.

Giá cổ phiếu công ty đã tăng 5,7% vào ngày 25.8.

cong-ty-ve-tinh-trung-quoc-xem-nhe-tac-dong-cua-lenh-trung-phat-tu-my1.jpg
Bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại, Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology tuyên bố không có bất kỳ "tác động vật chất" nào với hoạt động của họ

Trong một cuộc phỏng vấn với Cheung Kong Graduate School of Business vào năm ngoái, Yan Jun nói ông thành lập một công ty chế tạo tàu vũ trụ ở Canada vào năm 1994 và trở lại Trung Quốc năm 2000 với “công nghệ nước ngoài tiên tiến và nguồn vốn dồi dào”.

Cheung Kong Graduate School of Business là tổ chức giáo dục độc lập, phi lợi nhuận, tư nhân và là trường kinh doanh duy nhất ở Trung Quốc có sự quản lý của giảng viên. 

Năm 2003, Yan Jun và nhóm của ông đã phát triển bộ xử lý SPARC V8 đầu tiên của Trung Quốc, có thể được sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ trong nước và giúp nước này giải quyết thành công sự tắc nghẽn công nghệ của phương Tây, theo cuộc phỏng vấn.

Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology trở thành nhà thiết kế mạch tích hợp trong nước đầu tiên của Trung Quốc ra mắt công chúng vào năm 2010. Cho đến nay, công ty này đã nhận được sự hỗ trợ hào phóng từ nhà nước.

Năm 2019, chi nhánh đầu tư của tập đoàn thiết bị điện khổng lồ nhà nước Gree đã mua hơn 15% cổ phần Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology và trở thành cổ đông kiểm soát công ty.

Năm ngoái, Zhuhai Orbita Aerospace Science & Technology đã được chính phủ Trung Quốc trợ cấp 25,8 triệu nhân dân tệ, công ty cho biết trong thông cáo tài chính mới nhất của mình, mà không nói rõ khoản tài trợ này dùng để làm gì.

Yan Jun gia nhập Học viện Kỹ thuật Nga với tư cách là thành viên nước ngoài vào tháng 5 và nói sẽ hỗ trợ hợp tác song phương trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, viễn thám.

Viễn thám là môn khoa học nghiên cứu việc đo đạc, thu thập thông tin về một đối tượng, sự vật bằng cách sử dụng thiết bị đo qua tác động gián tiếp với đối tượng nghiên cứu.

Sơn Vân