Mỗi năm, người lao động gửi về Việt Nam khoảng 10 tỉ USD
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:46, 25/08/2022
Ban Chỉ đạo Trung ương ngày 25.8 đã tổ chức Hội nghị tổng kết Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8.5.2012 của Ban Bí thư khóa XI về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài".
Chỉ thị 16 nhấn mạnh mục tiêu đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đánh giá quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị.
Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.
Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề.
Bình quân mỗi năm, người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỉ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm,...
Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, thời gian qua vẫn còn những mặt tồn tại, công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, cần phải nhìn nhận khách quan cái được và cái chưa được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 16, trên sơ sở đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, về chủ trương, việc đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu. Trong giai đoạn tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, tăng cường đàm phán với các quốc gia, chú ý đến cung - cầu lao động, quan tâm đến việc làm cho lao động ngoài nước trở về, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững...