Kinh tế toàn cầu lâm nguy trầm trọng vì chiến tranh ở Ukraine
Chuyển động - Ngày đăng : 06:22, 23/08/2022
Hai ngày nữa là đúng 6 tháng kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, và các chính phủ, doanh nghiệp, gia đình trên toàn thế giới đều cảm nhận được hậu quả kinh tế từ cuộc chiến này, hai năm sau khi dịch COVID-19 tàn phá ngành thương mại toàn cầu.
Giá lương thực cao và thiếu trầm trọng, do nguồn cung ngũ cốc và phân bón từ Nga và Ukraine bị gián đoạn và đang nối lại chậm chạp, có thể gây ra nạn đói tràn lan và bạo loạn ở các nước đang phát triển.
Chiến tranh ở Ukraine đã buộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26.7 phải hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phảm quốc nội (GDP) năm 2022 xuống 3,2 %, hạ so với mức dự báo 4,9 % hồi tháng 7.2021 và so với mức 6,1 % hồi năm ngoái. Đây là lần hạ dự báo thứ tư trong chưa đầy một năm.
“Thế giới có thể sớm bị đẩy đến bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau lần suy thoái gần đây nhất”, theo nhận định của nhà kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas.
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc nói giá lương thực và nhiên liệu tăng đã đẩy 71 triệu dân trên thế giới vào cảnh nghèo chỉ sau 3 tháng đầu chiến tranh ở Ukraine. Các nước vùng Balkans và ở vùng hạ Sahara châu Phi bị nặng nhất. Khoảng 181 triệu người ở 41 nước có thể bị nạn đói trong năm 2022, theo dự báo của Tổ chức Lương-Nông LHQ.
Kinh tế suy thoái t ừ trước chiến tranh, chưa kịp phục hồi
Theo AP, ngay từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, kinh tế toàn cầu đã chịu sức ép nặng nề. Lạm phát tăng vọt đúng vào lúc kinh tế phục hồi mạnh sau cuộc suy thoái vì dịch COVID đã khiến các xí nghiệp cảng biển bị quá tải, gây ra sự giao hàng chậm trễ, thiếu hụt hàng hóa và giá bán cao hơn.
Để đối phó, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế.
Trung Quốc theo đuổi chính sách zero-COVID, phong tỏa toàn quốc cho đến nay khiến nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới bị suy yếu nghiêm trọng. Nhiều nước đang phát triển vừa phải chống dịch vừa gánh khoản nợ nặng để bảo vệ người dân khỏi thảm họa kinh tế.
Tất cả các thách thức này có thể xử lý được, nhưng khi Nga mở chiến dịch quân sự do ở Ukraine, phương Tây phản ứng lại bằng các mức trừng phạt nặng. Cả hai hành động này gây gián đoạn thương mại ở hai ngành năng lượng và lương thực. Nga là nước sản xuất dầu lớn hàng thứ ba thế giới và là nhà xuất khẩu hàng đầu về khí đốt, phân bón và lúa mì. Các nông trại ở Ukraine cũng nuội hàng triệu người trên toàn cầu.
Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, chi phí mua thịt heo, rau cỏ và dầu ăn tăng đã buộc chủ tiệm cơm bụi Warunee Deejai tăng giá bán, giảm nhân viên và làm việc nhiều giờ hơn. Bà nói không biết giữ giá bán phải chăng được bao lâu, sau khi vừa hết dịch COVID-19 thì lâm cảnh cực nhọc mà không biết bao giờ sẽ chấm dứt.
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahru, Yasin Limpo cảnh báo giá mì ăn liền - một món ăn cơ bản ở đất nước Đông Nam Á này-có thể tăng gấp ba vì giá lúa mì tăng bởi lạm phát. Nông dân trồng rau Jimmy Tan ở Malaysia phàn nàn giá phân bón tăng 50 %. Ô ng còn phải chi nhiều tiền hơn để mua bao bì, ống tưới nước.
Ở Pakistan cách xa chiến trường Ukraine, Kamran Arif phải nhận việc bán thời gian thứ hai để bổ sung nguồn thu nhập. Đa số dân Pakistan nghèo, đồng tiền mất giá 30% so với đồng USD và chính phủ đã tăng tiền điện lên 50%.
Âu, Mỹ, Nga đều chịu hậu quả suy thoái kinh tế
Vì chiến tranh gây ra lạm phát, các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế giá tăng mà không làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế.
Kết quả là lãi suất vay ngân hàng tăng đang trừng phạt công ty lót ván sàn FlooringStores ở New York,Mỹ. Doanh số của công ty bị giảm vì không có nhiều chủ nhà chịu vay tiền để thanh toán cho việc nâng cấp nhà ở.
Tỷ lệ lạm phát tăng cao, giá nhiên liệu tăng “thủng trời” và dẫn đến nguy cơ một mùa đông lạnh lẽo và u ám ở châu Âu vốn đang đứng bên bờ suy thoái.
Khí đốt không chỉ có giá bán cao hơn, mà còn có thể không có nếu Nga quyết định cắt đứt hooàn toàn nguồn cung cho châu Âu để trả đũa các trừng phạt của phương Tây, hoặc nếu các nước châu Âu không trữ đủ khí để sử dụng trong mùa đông.
Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói: “Có nhiều nguy cơ suy thoái và sức ép ở châu Âu hơn các nền kinh tế có thu nhập cao khác”.
Tổn thất không miễn trừ Nga. IMF dự báo kinh tế Nga bị giảm 6% trong năm nay. Nhà kinh tế học Sergey Aleksashenko người Nga đang sống ở Mỹ, nói doanh số bán lẻ lở Nga đã giảm 10% trong quý 2, do người tiêu dùng giảm mua sắm: “Họ không có tiền để tiêu xài”.