Cần Thơ nóng lên chuyện thuế nhà đất

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 23:34, 21/08/2022

Có thể nói, lần "ra quân" chống thất thu thuế lần này của TP.Cần Thơ rất quy mô.

Phó cục trưởng Cục thuế TP.Cần Thơ, Huỳnh Tấn Phát, cho biết: “Cục thuế TP.Cần Thơ vừa có công văn số 4392/CTCTH-HKDC về công tác phối hợp chống thất thu kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản với các phòng công chứng. Việc này nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND TP.Cần Thơ về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản”. 

Việc làm này của Cục thuế TP.Cần Thơ xuất phát từ các công văn chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế năm 2021 và công văn UBND TP.Cần Thơ về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trong năm 2022.

Việc ra quân lần này của TP.Cần Thơ có sự chỉ đạo và phối hợp với tất cả các sở ngành như Cục thuế, Sở Tài chính, Sở Công an, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên- Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án, các ngân hàng, các quận huyện, các phòng công chứng trên địa bàn TP... Có thể nói, lần "ra quân" chống thất thu thuế lần này của TP.Cần Thơ rất quy mô.

nha-dat-ct.jpg
Khu đô thị Phú An Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo Cục thuế TP.Cần Thơ, tính đến ngày 10.8.2022, trên địa bàn TP.Cần Thơ có 26/28 Văn phòng công chứng (VPCC) cung cấp danh sách. Hai văn phòng công chứng chưa cung cấp danh sách là VPCC Trương Văn Trung và VPCC Trung Tâm.

Xử lý của cơ quan thuế: Cơ quan thuế đã ban hành thông báo nộp tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và lệ phí trước bạ (LPTB) với 218 thông báo; tổng số thuế phải nộp hơn 14 tỉ đồng, đã nộp hơn 13 tỉ đồng, chưa nộp 629.950.000 đồng. Đã chuyển cơ quan công an 17 hồ sơ, trong đó Chi cục Thuế quận Ninh Kiều cao nhất là 15 hồ sơ. 

Hiện nay, còn vướng mắc trong xử lý truy thu tiền phạt, tiền chậm nộp, Cục Thuế ban hành Công văn số 4243/CTCTH-NVDTPC ngày 2.8.2022 gửi Tổng Cục thuế xin ý kiến hướng dẫn để triển khai thực hiện.

nha-dat-can-tho-co-hoi-cho-moi-nguoi.jpg
Thị trường nhà đất Cần Thơ hiện nay trầm lắng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Đó là kết quả bước đầu của việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trong của TP.Cần Thơ.

Bên cạnh kết quả truy thu thuế nói trên có nhiều ý kiến từ người dân, các doanh nghiệp góp ý trên cơ sở công bằng, hợp lý cho ngành thuế, doanh nghiệp và người nộp thuế. 

Ông Lương Văn Khai, một người dân có đất nông nghiệp ở khu đô thị nam Cần Thơ cho rằng: “Việc xảy ra chênh lệch giá bán thực tế và giá trên hợp đồng có nguyên nhân sâu xa từ việc quy định UBND tỉnh, thành công  bố khung giá đất 5 năm 1 lần. Giá đất quy định không theo kịp với giá đất thực tế thị trường giao dịch. Ví dụ như giá đất nông nghiệp tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng theo khung giá đất quy định là 160 triệu đồng/ 1.000m2, trong khi đó, giao dịch của thị trường khoảng 1-1,2 tỉ đồng/1.000m2. Như vậy, khi giao dịch người dân phải ghi theo khung giá đất quy định. Nếu ghi theo khung giá đất mua bán thực tế lại kèm theo Phụ lục hợp đồng (PLHĐ) thì giao dịch đó sẽ vướng vi phạm về trốn thuế”.

khu-pho-cadif-tai-nam-ct.jpg
Khu phố do Quỹ đầu tư phát triển TP.Cần Thơ đầu tư xây dựng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Cũng theo ông Khai, giá đất bất hợp lý như trên cũng gây ra nhiều thiệt hại cho người có đất nông nghiệp vào dự án. Vì khung giá đất quá thấp thì việc đền bù, giải tỏa và hỗ trợ đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất rất thấp. 

Còn ông T.M.N., một giám đốc doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ở Nam Cần Thơ cho rằng “Không chỉ ở Cần Thơ, mà nhiều tỉnh thành từ lâu người giao dịch BĐS ghi giá đất mua bán theo khung giá đất, tức là bằng 50-60% giá giao dịch thực tế. Vì sao? Để được tính thuế giá thấp. Tuy nhiên, cũng trong khi ký công chứng giấy tờ, họ làm thêm “Phụ lục hợp đồng”(PLHĐ). Giá trị PLHĐ này bằng 100% giá thực. Vì sao có chuyện “Giấu đầu lòi đuôi” này? Vì nếu không có PLHĐ thì người có bất động sản này không thể thế chấp ngân hàng vay được 70-80% giá trị theo PLHĐ. Đây cũng là bằng chứng để khi ngành thuế thu thập bằng chứng về gian lận thuê trong giao dịch nhà đất".

Theo ngành thuế chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế: 3.119 hồ sơ, có chênh lệch giá trị chuyển nhượng gồm 389 hồ sơ.

Về việc làm thêm PLHĐ, một giám đốc ngân hàng ở quận Ninh Kiều giải thích, nếu xét cho vay, chúng tôi căn cứ vào giá trị hợp đồng. Vì vậy thời gian qua, nhiều người vay vốn để mua BĐS thường phải làm thêm PLHĐ để tăng số tiền vay lên. Từ lâu PLHĐ làm cơ sở để ngân hàng xét cho vay cao hơn giá trị HĐ chuyển nhượng.

Một quan chức Viện kiểm sát nhân dân ở Cần Thơ cho rằng: "Giao dịch BĐS ghi bằng khung giá đất công bố đất thì không có vấn đề. Vấn đề phát sinh những người giao dịch BĐS vướng là PLHĐ. Vì đây là bằng chứng người giao dịch trốn thuế khi so sánh 2 HĐ có sự khác biệt xa về giá trị giao dịch".

Ông Hồ Quang Tây, Phó chủ tịch Hội Môi giới ĐBSCL có đề nghị với ngành thuế: “Sau đại dịch COVID-19, kinh tế bị ảnh hưởng, giao dịch BĐS ở Cần Thơ trầm lắng. Khủng hoảng kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng đến thị trường BĐS, nay lại thêm ngành thuế truy thu giao dịch BĐS vi phạm về thuế. Các vấn đề này góp phần làm cho thị trường BĐS thêm khó khăn. Thiết nghĩ, ngành thuế nên xem lại việc chống thất thu thuế từ khi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có văn bản đề nghị thực hiện chủ trương này. Vì những vi phạm về thuế thời gian trước kia có nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó”.

Văn Kim Khanh