Con rể cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 nhờ người bán thịt lợn đứng tên cổ phần
Sự kiện - Ngày đăng : 15:55, 16/08/2022
Chiều 16.8, HĐXX TAND TP.Hà Nội tiếp tục tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH một thành viên (Tổng công ty 3/2) liên quan đến Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 đồng phạm.
Không có tiền góp vốn vẫn là cổ đông
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương cho rằng VKS đưa ra rất nhiều hành vi phạm tội của bị cáo để kết luận sai phạm, trở thành đồng phạm với ông Nguyễn Văn Minh; thực tế khách quan cho thấy cáo trạng chưa có căn cứ pháp lý, đó chỉ là ý kiến chủ quan của VKS.
Theo cáo trạng, được Nguyễn Văn Minh cho biết Tổng công ty 3/2 sẽ triển khai thực hiện dự án trên khu đất 43ha, Nguyễn Đại Dương thống nhất cùng Nguyễn Văn Minh thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện.
Do vậy, Nguyễn Đại Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, nắm quyền chỉ đạo và giao cho Nguyễn Quốc Hùng (bạn kinh doanh) làm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, Nguyễn Đại Dương đã chỉ đạo Nguyễn Quốc Hùng ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3/2 (do Nguyễn Văn Minh làm đại diện), thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha của Tổng công ty 3/2 với giá chỉ 570.000 đồng/m2.
Ra tòa với tư cách người làm chứng, ông Dương Đình Tâm khẳng định bản thân không phải là cổ đông của Công ty Âu Lạc, không tham gia góp vốn. “Trước đó, tôi không quen biết với Dương. Khi được người quen trao đổi nhờ đứng tên mảnh đất tại TP.HCM vào năm 2010, ông Dương cầm giấy tờ ra sân bay bảo tôi ký vào. Tôi không biết những giấy tờ đó có nội dung gì”, ông Tâm nói.
Ngoài ra, ông Tâm cũng khai rõ vào năm 2015 có vào gặp Dương để trả lại tài sản và Dương nhận lại. Theo đó, lời khai tại tòa của ông Tâm thể hiện giấy xác nhận nộp cho CQĐT là do Dương viết với nội dung Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần của Nguyễn Đại Dương tại Công ty Âu Lạc. Ông Tâm khẳng định bản thân không có tiền để góp vốn, thời điểm đó đang làm nghề bán thịt lợn.
Đáng chú ý, trong phần xét hỏi, ông Tâm có cho biết không nhận bất kỳ khoản tiền nào khi ký hộ giấy tờ lần 1 vào năm 2010. “Đến năm 2015, tôi trả lại tài sản và Dương có cho vợ chồng tôi vay gần 5 tỉ đồng. Tôi nghĩ đó là số tiền tôi vay của Dương, nhưng đến nay, do làm ăn vất vả nên tôi cũng chưa trả lại được”, ông Tâm nói.
Như vậy, đối chiếu lời khai của ông Tâm tại tòa với cáo buộc của cơ quan công tố thể hiện trong cáo trạng có thể thấy Nguyễn Đại Dương chỉ nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và chính Dương là người trực tiếp điều hành công ty này.
Quá trình liên doanh, năm 2016, sau khi Công ty Âu Lạc đã sử dụng tiền góp vốn của các cổ đông để góp 60 tỉ đồng trong số 140 tỉ đồng tại Công ty Tân Phú, mặc dù Tổng công ty 3/2 chưa chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, nhưng Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với bà Đặng Thị Kim Oanh.
Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc, Nguyễn Văn Minh đã đại diện Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỉ đồng. Tiếp đó, Tổng công ty cũng bán nốt 30% cổ phần của mình tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỉ đồng.
Như vậy, cơ quan công tố kết luận Công ty Âu Lạc của Nguyễn Văn Dương đã thâu tóm 43ha đất của Nhà nước với chi phí 411 tỉ đồng. Tài sản này sau đó được bán cho công ty của bà Đặng Thị Kim Oanh (ở TP.HCM).
Đứng tên công ty thay ba
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thục Anh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển, con gái của bị cáo Nguyễn Văn Minh) cho biết thực tế bị cáo không được thông báo hay trao đổi về việc chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo không tham gia vào việc sắp xếp nguồn tài chính, kinh doanh của công ty, việc này do ba của bị cáo làm.
“Bị cáo không hưởng lợi một đồng nào trong việc chuyển nhượng này. Bị cáo không được biết về số tiền 251 tỉ đồng”, bị cáo Thục Anh nói.
Theo lời khai của bị cáo Thục Anh, bị cáo chỉ đứng tên thay cho ba, không tham gia vào hoạt động của công ty. Trong quá trình điều tra, bị cáo nhận thức được việc đứng tên chủ tài khoản đã góp phần vào cái sai phạm ngày hôm nay, bị cáo xin nhận trách nhiệm và chỉ mong xem xét lại vai trò của bị cáo và ba.
Bị cáo Thục Anh cũng cho rằng nếu thật sự biết được bản chất vấn đề của việc chuyển nhượng thì chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện, và ba của bị cáo nếu biết cũng sẽ không bao giờ yêu cầu con gái của mình làm như vậy.
Trong vụ án này, bị cáo Thục Anh bị quy kết tội “Tham ô tài sản”. Theo đó, năm 2018, với mục đích có nguồn tiền xử lý dư nợ tạm ứng tại Tổng công ty 3/2, Nguyễn Văn Minh chỉ đạo Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý chuyển nhượng 15% vốn điều lệ cho Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (CTCP).
Thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Minh, 2 bị cáo đã nhận chuyển nhượng 32% vốn góp của Công ty Phát Triển đang nắm giữ tại Công ty Tân Thành theo mục đích của Nguyễn Văn Minh; đồng thời phải vay Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM để nộp đủ số vốn góp còn thiếu và ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng 15% vốn điều lệ tại Công ty Tân Thành cho em rể của Như Ý.
Thông qua việc chuyển nhượng này, VKS xác định Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý đã giúp sức cho Nguyễn Văn Minh chiếm đoạt số tiền lớn. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý chuyển 251 tỉ đồng cho Nguyễn Văn Minh để hoàn ứng; số tiền còn lại được phân chia cho Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý theo tỷ lệ vốn góp 51% và 49%.