Quyền chọn là ở bạn - Sức mạnh trong tâm trí tạo nên người thành công
Văn hóa - Ngày đăng : 11:37, 10/08/2022
Quyền chọn là ở bạn
Tên của ông là Roger Crawford. Ông kiếm sống bằng nghề tư vấn và diễn thuyết. Ông từng viết hai cuốn sách, và đã chu du khắp đất nước để làm việc với các công ty có tên tuổi, với các hội đoàn cấp tiểu bang cũng như toàn quốc, và cả các trường học.
Đấy là một lý lịch trích ngang không tồi. Nhưng nếu như thế vẫn chưa đủ gây ấn tượng với bạn, vậy những điều này nữa thì sao? Trước khi trở thành một chuyên gia tư vấn, ông là một tay vợt tennis của Trường đại học Loyola Marymount và sau đó trở thành cây vợt được Hội Tennis chuyên nghiệp Mỹ cấp giấy chứng nhận. Vẫn chưa đủ ấn tượng ư? Liệu bạn có đổi ý không nếu tôi kể thêm rằng Roger không có bàn tay và chỉ có một bàn chân!
Roger Crawford được sinh ra với hội chứng được gọi là ectrodactylism (hội chứng bẩm sinh thiếu một phần hay toàn bộ ngón tay, ngón chân). Khi ông vừa chào đời, các bác sĩ đã thấy ở cẳng tay phải của ông có một chỗ nhô ra tựa một ngón tay cái, và từ cẳng tay trái mọc ra một ngón tay cái với một ngón tay khác. Ông không có lòng bàn tay. Chân và cánh tay của ông bị rút lại. Và chân trái của ông có một bàn chân co quắp chỉ với 3 ngón chân (bàn chân này đã được cưa khi ông lên 5 tuổi).
Cha mẹ của Roger được nhiều chuyên gia y tế thông báo rằng ông sẽ không bao giờ bước đi được, có lẽ cũng sẽ không thể tự chăm sóc bản thân mình, và sẽ không bao giờ có thể sống một cuộc đời bình thường.
Sau khi hồi phục từ cú sốc này, cha mẹ Roger quyết tâm cho ông cơ hội tốt nhất có thể để sống một cuộc đời bình thường. Họ nuôi dưỡng ông theo cách khiến ông cảm nhận được tình yêu thương, thấy mình khỏe mạnh, và có thể phát triển độc lập. “Con chỉ khuyết tật khi bản thân con muốn như vậy”, cha ông thường bảo thế với ông. Họ khích lệ ông làm mọi việc mà con tim ông khao khát. Và họ dạy ông suy nghĩ tích cực.
“Một điều mà cha mẹ tôi không bao giờ làm là cho phép tôi cảm thấy tự thương xót chính mình, hoặc lợi dụng người khác bởi sự khuyết tật của mình”, Roger nhận xét.
Roger biết ơn sự khích lệ và sự tôi luyện mà cha mẹ dành cho mình, nhưng tôi nghĩ ông không thực sự hiểu được ý nghĩa của nó cũng như thành tựu của ông, cho tới khi ông theo học đại học và tương tác với một người đã luôn muốn gặp ông.
Vì sao tôi đã không chia sẻ nỗi tuyệt vọng của ông?
Sau khi nhận được cú điện thoại từ một người đàn ông đã đọc được trên báo tin tức về chiến thắng trong môn tennis của ông, Crawford đồng ý gặp ông ta tại một nhà hàng gần đó. Khi Roger đứng lên để bắt tay người đàn ông này, ông nhận ra rằng người kia có đôi bàn tay gần như giống hệt tay ông. Điều này gây phấn khích cho ông, bởi ông nghĩ mình đã tìm được người giống mình, nhưng lớn tuổi hơn và có thể làm người cố vấn cho ông. Nhưng sau khi nói chuyện với người đàn ông lạ mặt ấy, ông nhận ra mình đã sai.
Roger nói: “Thay vào đó, điều tôi nhận thấy là người này có thái độ chua cay và bi quan, là người đổ lỗi cho thể chất của mình về mọi thất vọng và thất bại trong đời ông ta. Tôi sớm nhận ra rằng cuộc sống và thái độ của chúng tôi không thể khác nhau hơn được nữa… Ông ta không bao giờ duy trì được một công việc kiếm sống đủ lâu, và ông chắc chắn đó là do có “sự kỳ thị” – chắc chắn không, vì (như chính ông thừa nhận) ông luôn đi trễ, thường xuyên nghỉ việc, và không thể đảm đương một trách nhiệm nào trong công việc. Thái độ của ông luôn là “thế giới này mắc nợ tôi”, và vấn đề của ông là thế giới này luôn bất đồng với ông. Ông ta thậm chí còn bực tức với tôi vì tôi đã không chia sẻ nỗi tuyệt vọng của ông”.
Chúng tôi duy trì liên lạc trong vài năm, cho tới khi tôi vỡ lẽ ra là dù có đột nhiên xuất hiện một phép màu nào đó cho ông ta có một thân thể hoàn hảo thì nỗi bất hạnh và thiếu thành công của ông vẫn sẽ không thay đổi. Ông ta vẫn sẽ ở cùng một vị trí ấy trong đời. Người đàn ông đó đã cho phép thất bại ghì chặt lấy ông ta ngay từ bên trong.
Có lẽ, nghịch cảnh trong đời bạn không đến mức nghiệt ngã như Roger Crawford. Và đó là lý do tại sao câu chuyện của ông lại có sức truyền cảm đến thế. Roger xác nhận rằng “Những khuyết tật chỉ có thể làm mất đi khả năng của ta nếu ta cho phép chúng. Điều này không chỉ đúng với những thách thức về thể chất mà còn đúng với những thách thức về cảm xúc và trí tuệ… Tôi tin rằng những hạn chế thực sự và lâu dài được tạo ra trong đầu, chứ không phải trong cơ thể chúng ta”.