Đoàn Quỳnh Như: Khiêu vũ tới trập trùng

Văn hóa - Ngày đăng : 20:00, 05/08/2022

Đoàn Quỳnh Như đến với hội hoạ như một sự bung tỏa đam mê sáng tạo mới, với chất liệu, ngôn ngữ, sắc màu đầy mê hoặc; một sự hứng thú khám phá bản thân ở một tâm thức khác.
img_8331.jpg
Họa sĩ - nhà thơ Đoàn Như Quỳnh tại phòng tranh trước giờ khai mạc - Ảnh: Tiểu Vũ

Đoàn Quỳnh Như sinh ra và lớn lên tại Ô Lâu (tỉnh Quảng Trị), học ngành văn hoá - du lịch tại Huế. Trong thời gian làm du lịch, Đoàn Quỳnh Như từng thử qua nhiều lĩnh vực, trong đó có diễn xuất và biên kịch. Kịch bản phim điện ảnh Thiên thai (2008, do Chánh Phương Film giữ bản quyền) là một ví dụ.

Đoàn Quỳnh Như là tác giả của hai tập thơ Như là…! (2005) và Vọng (2009). Thơ từng xuất hiện trên các báo giấy, tạp chí như Sông Hương, Văn nghệ, Văn chương Việt, Kiến thức ngày nay, Tuổi trẻ, Người lao động

Tình cờ đọc tập Vọng, nhà thơ Như Quỳnh de Prelle cảm nhận: “Đoàn Quỳnh Như biết trình diễn trong thơ, trong cảm thức của mình, biết biểu hiện. Tôi không rõ cô gái này, ở đâu, làm gì. Tôi không rõ nguyên bản nào để cô ấy tìm đến thơ và viết trong tận cùng dâng hiến ấy. Tôi thích cách cô ấy trình diễn, biểu hiện chính mình trên những hàng chữ, rất ngắn, lộn xộn, trúc trắc… Tôi cũng tin từ đó, không viết tiếp nữa, cô ấy đã tìm thấy hạnh phúc. Không người đàn bà nào yêu tận cùng, thông minh vừa đủ để giữ lại cho mình những tái sinh, những riêng tư. Cô ấy có sự cân bằng đó. Gương mặt điềm tĩnh của cô. Chữ có lẽ đã giúp cô giải phóng và trấn an cho cô một tâm hồn bình lặng”.

Video thưởng lãm tranh và chia sẻ của Đoàn Quỳnh Như:

Còn với nhà thơ Inrasara thì: “Không dông dài kể lể, thơ Đoàn Quỳnh Như phô bày “hành trình yêu” trắng, lồ lộ chỉ qua vài nét phác nguệch ngoạc nhưng không thể nói là không đắt. Nó không khiêu dâm, càng không khiêu khích ai mà, chỉ mong tỏ bày. Cho chính mình và để tìm vài chia sẻ. Chớ đồng hóa thơ với cuộc sống thực của người thơ. Mà ngộ nhận, tai hại và tệ hại. Qua tập thơ Vọng, bằng kinh nghiệm mang tính cá thể, Đoàn Quỳnh Như hé lộ cho ta mơ hồ nhận ra thân phận tình yêu trong hành trình yêu, qua đó - thân phận con người trên hành trình đời”.

img_8302.jpg
Không gian triển lãm "Khiêu vũ tới trập trùng" của Đoàn Quỳnh Như - Ảnh: Tiểu Vũ 

Từ một tâm thức thơ như vậy, Đoàn Quỳnh Như đến với hội hoạ như một sự bung tỏa đam mê sáng tạo mới, với chất liệu, ngôn ngữ, sắc màu đầy mê hoặc; một sự hứng thú khám phá bản thân ở một tâm thức khác. Gần 4 năm tự học và vẽ, tuy không dài, nhưng vùng mộng cảnh trong hội họa của Đoàn Quỳnh Như ngày càng sắc sảo, man mác hồn thi ca.

Triển lãm cá nhân đầu tiên Khiêu vũ tới trập trùng bày gần 30 tranh. Đây là một phần những bức tranh đầu tay của Đoàn Quỳnh Như. Thi sĩ vẽ tranh thì có nhiều chất thơ, thậm chí vẽ chính các bài thơ thành tranh, cũng là điều dễ hiểu. Ở đây sẽ không nói về điều đó, mà muốn nói đến trạng thái tâm thần của việc vẽ.

1-16-.jpg
Tranh trừu tượng của Đoàn Quỳnh Như

Dường như bị bất lực và giới hạn trước ngôn từ, nên vẽ để tìm giải thoát. Vẽ với hy vọng màu sắc có thể giúp tìm thấy lối ra trong các chấn động, trống vắng. Vẽ với hy vọng tái kết nối bản thân với thiên nhiên mộng cảm, với không gian xa lạ, với nơi chốn huyền hoặc; và cả với những nơi quen thuộc đang dần phôi pha. Vẽ với hy vọng tìm lại sự cân bằng, mà đôi khi đời sống thường nhật - dẫu cho đủ đầy, hạnh phúc - đã làm chơi vơi, chao đảo.

doan-quynh-nhu-1.jpg
Đoàn Quỳnh Như đến với hội hoạ như một sự bung tỏa đam mê sáng tạo mới

Chính vì lẽ đó, dù xác định làm triển lãm Khiêu vũ tới trập trùng là để cho vui, để kết nối bạn bè và cộng đồng. Thế nhưng, tranh của Đoàn Quỳnh Như thì không hề vẽ cho vui. Nó là kết quả của không ít dằn xé, đôi khi kêu gào, đôi khi năn nỉ, đôi khi vượt thoát, đôi khi mơ mộng… Kiểu như không vẽ có thể trầm cảm, thậm chí bấn loạn…

Mà trạng thái tâm thần này thì đâu chỉ của Đoàn Quỳnh Như. Dường như đây đã là chuyện khá thường gặp nơi đô thị, vì vậy, có lẽ các bức tranh, với tên gọi rất thơ, sẽ dễ nhận được sự đồng điệu, chia sẻ rộng rãi.

Triển lãm của Đoàn Quỳnh Như khai mạc lúc 18 giờ ngày 5.8.2022 tại Vy Gallery (20 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM)

Trước hết, tôi đến với thế giới của Như qua thi ca. Tuy khởi đi từ tâm thức lãng mạn, nhưng thi ca của Như lại ngồn ngộn hiện thực, một hiện thực trần trụi với những đau thương, mất mát của thân phận con người, kể cả thân phận của tình yêu. Như trước hết là một thi sĩ dám nói lên những bất công oan trái của con người và là người nỗ lực khái quát nên sự tan hoang của cuộc sống trên quê hương mình, một thi sĩ đi tìm những miền đất hứa để thoát khỏi thực tại. Thi ca với nữ thi sĩ này là một cuộc truy vấn vào bản thể của sự tồn tại, đồng thời là cuộc truy vấn về bản thân mình. Thơ của Như chứa đựng những vết thương ở đời và cũng là nỗ lực chữa lành những vết thương ấy. Đôi khi tôi thấy rằng, trong thơ, Như đang căng lên tất cả các giác quan để những âm thanh của cuộc sống va đập vào mình, có lúc đó là những âm thanh cuồng nộ, gào thét xen lẫn với những âm thanh vỗ về đầy trắc ẩn.

Vì mang tâm thức lưu đày lãng mạn, nên từ thơ, Như đi qua hội họa như một tất yếu tiếp biến trên hành trình của mình. Thông thường khi một thi sĩ bước sang hội họa, người ta thường chọn lối tranh biểu hiện để bày tỏ tiếng nói của mình với tha nhân. Nhưng với Như, qua những họa phẩm như Vũng thương đau, Tiếng chuông, Trập trùng, Mắt nhân gian…, ngôn ngữ hội họa của Như nghiêng về trừu tượng, một lĩnh vực khó để đạt đến chân tủy của nó. Nhưng Như đã đi vào trừu tượng một cách tự nhiên như chính những giấc mơ của một thi sĩ.

Hội họa của Như là sự chối bỏ mô phỏng hiện thực khách quan. Như quay vào trong, nỗ lực phóng chiếu nội tâm của mình, một nội tâm mạnh mẽ đã từng thể hiện qua thi ca, nhưng lần này được chuyên chở dưới một thứ chất liệu khác và hình thức khác. Như hướng đến rút tỉa những cảm xúc nội tại dấu kín và bày lên tranh. Màu sắc và nhịp nhiệu của màu đã diễn tả được thế giới bên trong Như. Tác phẩm của Như vì vậy ẩn chứa nhiều bí mật. Những tác phẩm ấy hoàn toàn đi ra từ tưởng tượng, không nương tựa vào ngoại vật nào.

Tất nhiên mọi thứ không đến từ hư không. Sự giải hình trong các tác phẩm của Như dựa vào những ký ức sâu về hiện thực trước đó, hiện thực mà Như đã thể hiện trong thi ca. Tôi nghĩ, nếu không có những ký ức sâu về hiện thực, người ta rất khó vượt lên hiện thực bằng sự khước từ mô tả ngoại giới. Để vượt qua hiện thực, người họa sĩ cần đắm chìm trong hiện thực, từ đó mới có thể đưa ra được những tác phẩm trừu tượng có ý nghĩa về nhận thức.

 Lê Minh Phong (Họa sĩ)

Tiểu Vũ