Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây, số ca mắc sẽ không nhiều
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:59, 04/08/2022
Theo bà Như, bệnh đậu mùa khỉ không lây dễ dàng và nhanh như các bệnh lây qua đường hô hấp. Do đó số ca mắc sẽ không nhiều. Đối với các trường hợp ban đầu được chẩn đoán xác định bệnh đậu mùa khỉ nên được theo dõi tại các khoa cách ly của bệnh viện. Người bệnh sẽ được chăm sóc tốt tại cơ sở y tế.
Về việc tiêm vắc xin đậu mùa khỉ, bà Như cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không khuyến cáo sử dụng vắc xin tiêm đại trà cho người dân. Chỉ những người đã tiếp xúc với người bệnh - tiêm phòng sau phơi nhiễm; người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh - tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây nhiễm gồm: nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm…
“Hiện tại căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm vi rút đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này", bà Như nhấn mạnh.
Hiện nay Bộ Y tế đã có Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế sẽ phổ biến đến các cơ sở y tế triển khai thực hiện. Trong đó lưu ý 3 nhóm đối tượng gồm: trẻ em, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có quy định khai báo y tế với hành khách nhập cảnh nhằm phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Đề cập đến tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM đang có xu hướng tăng, cả số ca mắc cũng như số ca nhập viện, bà Như cho biết, nguyên nhân là do sự xuất hiện của các biến thể mới. Biến thể BA.4 và BA.5 đang làm gia tăng số ca mắc ở nhiều nước trên thế giới, TP HCM đã ghi nhận có biến thể này.
Để bảo vệ cộng đồng, hạn chế sự gia tăng của bệnh COVID-19, bà Như khuyến cáo cần tiêm các mũi nhắc; mang khẩu trang và vệ sinh khử khuẩn khi tiếp xúc với nhiều người. “Khi có triệu chứng nghi ngờ nên kiểm tra xét nghiệm, nếu dương tính thì tự cách ly nhằm hạn chế lây lan cho người khác”, bà Như nói.
Liên quan đến tình trạng tăng giá thuốc cũng như bán thuốc Tamiflu một cách “vô tội vạ” trên thị trường khi bệnh cúm A đang gia tăng, bà Như cho biết ngày 1.8.2022, Sở Y tế đã có công văn số 5182/SYT-NVD về việc đảm bảo cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo Phòng Y tế các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuốc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán không cao hơn giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn đã kê khai, kê khai lại đang có hiệu lực), không lợi dụng tình hình bệnh để đầu tư, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng vi rút dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Đối với Thanh tra Sở Y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng vi rút dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm như: kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.