Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất robot của thế giới
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:45, 05/09/2017
Tại Hội chợ Triển lãm thương mại điện tử tiêu dùng IFA đang diễn ra, Trung Quốc cho thấy nước này đang trở thành công xưởng sản xuất robot dịch vụ toàn cầu khi chiếm tới 90% số lượng gian hàng robot. Ngược lại, không hề có bất kỳ công ty chế tạo robot nào của Nhật Bản xuất hiện tại IFA năm nay.
Đáng chú ý là những công ty Trung Quốc đưa tới IFA rất nhiều loại robot mới, chẳng hạn như công ty Qihan với robot Sanbot Nano. Sanbot Nano là robot chỉ cao khoảng 70 cm nhưng có khả năng nghe hiểu giọng nói, có thể hát, đặt bánh pizza hoặc chuyển kênh truyền hình giúp chủ.
Không chỉ là một robot giúp việc, Sanbot Nano trang bị một camera cho phép chủ nhân của nó giám sát ngôi nhà của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Qihan cho biết sản phẩm mới của họ sẽ chính thức được bán vào tháng 10 tới với giá 2.800 USD.
Công ty công nghệ có trụ sở ở Hàng Châu là Amy Robotics thì giới thiệu tại IFA robot dịch vụ Amy A1 có khả năng làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Amy A1 có khả năng hướng dẫn khách du lịch nhận phòng khách sạn và có thể trở thành một nhân viên phục vụ bàn trong nhà hàng.
Amy Robotics nói rằng sản phẩm của họ có thể giúp ngành dịch vụ ở Trung Quốc vốn đang đối mặt với chi phí lao động tăng. Công ty này cũng tự tin rằng có thể xuất khẩu robot của mình sang Trung Đông.
Shanghai PartnerX Robotics thì giới thiệu các robot giáo dục cỡ nhỏ có khả năng kết hợp với nhau. Loại robot này còn đặc biệt hơn khi đi kèm một ngôn ngữ lập trình đơn giản để trẻ em có thể học cách lập trình.
Các công ty Trung Quốc đang đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế tạo robot vì nước này cần nhiều công nghệ tiên tiến để làm việc trong bối cảnh dân số ngày càng già và lương thì tăng. Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo robot vì đây được xem là một phần quan trọng của kế hoạch Made in China 2025.
Về chất lượng, robot Trung Quốc hiện không tinh tế bằng robot của các nước khác nhưng chất lượng của chúng đang tăng nhanh. Trung Quốc cũng thực thi kế hoạch mua lại công nghệ để tăng tốc bám sát các nước phát triển hơn. Năm ngoái, tập đoàn Midea Group của Trung Quốc đã mua công ty sản xuất robot công nghiệp Đức Kuka.
Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Ấn Độ Research Market Research Future, mảng robot dịch vụ sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới, và tới năm 2022 thị trường này sẽ tăng gấp đôi về mặt doanh thu so với hiện nay lên mức 20 tỉ USD. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đang bỏ ngỏ khi theo Research Market Research Future thì không có bất kỳ công ty nào sẽ thống trị thị trường.
Ái Vi