Facebook nói có yếu tố từ Nga thao túng bầu cử Mỹ
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 07:31, 07/09/2017
Chiến dịch truyền thông nói trên theo Facebook kéo dài trong 2 năm và chỉ mới kết thúc hồi tháng 5 vừa qua, khi mạng xã hội này xóa những tài khoản thực hiện chiến dịch. Cụ thể, 470 tài khoản đã bị khóa vì đăng tải và quảng cáo các nội dung phân cực về chủ đề tôn giáo, di dân, chủng tộc và quyền của người đồng tính.
Các thông tin sai lệch và phân cực này không nhắm đến việc ủng hộ một ứng viên cụ thể nào nhưng lại gây sự ảnh hưởng không nhỏ đến cử tri Mỹ xung quanh những vấn đề đang nhức nhối trong xã hội nước này.
Facebook đã công khai thông tin này trên blog của trưởng lực lượng an ninh mạng của họ Alex Stamos và cho biết họ đang hợp tác với cơ quan điều tra liên bang về những hành động gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Facebook khẳng định những nội dung được quảng cáo cho thấy chúng không có liên kết với một chiến dịch tranh cử cụ thể nào. Dù vậy, theo Facebook những tài khoản mà họ vừa khóa nhấn mạnh những chủ đề như "người tị nạn" và "người yêu nước".
Phát hiện mới của Facebook có vẻ phù hợp với kết luận của giới tình báo Mỹ rằng Nga đã tích cực thực hiện một chiến dịch gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 6 Facebook từng phủ nhận thông tin này và nói rằng họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng liên kết nào cho thấy các nhà hoạt động Nga mua quảng cáo để thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Nhưng mới đây họ đã phát hiện ra rằng một số quảng cáo chính trị được mua ở Nga nhưng lại thể hiện thông điệp bằng tiếng Anh để người Mỹ xem. Ngay lập tức Facebook đã khóa các tài khoản này dù không có báo cáo vi phạm nào nhưng lại phớt lờ yêu cầu kiểm tra danh tính của Facebook.
Theo Facebook, toàn bộ chiến dịch tranh cử ở Mỹ năm 2016 đã chi tới 1 tỉ USD cho các chiến dịch quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội, gấp 10.000 lần số tiền được cho là do Nga dùng để thao túng cả nền chính trị Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Nga nhiều lần khẳng định họ không can thiệp vào công việc bầu cử của nước Mỹ.
Thiên Hà (theo Guardian)