Lệnh trừng phạt của EU có khiến Nga sụp đổ?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:14, 31/07/2022
EU đã tung ra 6 gói trừng phạt Nga vì nước này tấn công Ukraine từ ngày 24.2. Trao đổi kinh tế giữa Nga với EU gần như dừng lại hoàn toàn, trừ dầu khí Nga vẫn chảy qua EU cùng thực phẩm, và một số loại phân bón vốn không có trong danh mục trừng phạt.
Theo Ủy ban Châu Âu, cơ quan đại diện 27 nước thành viên EU, lệnh trừng phạt hiện áp lên 1.221 người Nga gồm: Tổng thống Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, nhiều nhà tài phiệt cùng 108 tổ chức.
Một nửa số tiền dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga bị niêm phong, nhiều ngân hàng Nga bị loại khỏi Mạng lưới viễn thông tài chính liên ngân hàng SWIFT.
Hoạt động xuất khẩu công nghệ, kỹ thuật hàng không, điện tử và hàng hóa cao cấp của EU cũng bị cấm. Hơn 1.000 công ty phương Tây cũng đã rời khỏi Nga.
Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh và Thụy Sĩ cũng áp các lệnh trừng phạt Nga.
Theo dữ liệu truy vết trừng phạt của tổ chức các nhà báo điều tra Correctiv của Đức đã cho thấy có 6.891 biện pháp trừng phạt kể từ tháng 2 cho đến ngày 30.7.
Thống kê này cho thấy, chưa bao giờ có nhiều lệnh trừng phạt đến thế đối với một quốc gia.
Lệnh trừng phạt - đòn đánh mạnh vào Nga
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Đức Deutsche Welle, Ủy viên Đối ngoại EU Josep Borrell nói các lệnh trừng phạt của EU đang “đánh Nga mạnh”.
Ông nhấn mạnh: “Kinh tế Nga đang suy giảm 10%. Họ sẽ phải chịu đựng cuộc suy thoái lớn nhất kể từ sau Thế Chiến 2 hoặc sau khi Liên Xô sụp đổ".
Quan chức này thừa nhận EU vẫn còn lệ thuộc nguồn cung ứng năng lượng từ Nga, tuy nhiên, sẽ có sự thay đổi trong các tháng tới. Ông Borrell nói các nước thành viên EU tiếp tục mua khí đốt của Nga, “nhưng chúng tôi phải giảm một nửa khối lượng nhập khẩu. Chúng tôi không thể làm phép lạ”.
Ủy viên EU còn khẳng định Điện Kremlin không thể dùng nguồn thu nhập để mua sắm ở EU, có nghĩa Nga sẽ không thể mua công nghệ EU cho xe tăng: “ Họ có tiền nhưng họ không thể mua bất cứ thứ gì”.
Theo Deutsche Welle, hiện có nhiều nghiên cứu của các đại học nổi tiếng và các nghiên cứu kinh tế về tác động của lệnh trừng phạt lên Nga và lên các nước áp lệnh trừng phạt.
Tất cả các nghiên cứu này đều chỉ ra một sự suy giảm mạnh về sản lượng kinh tế Nga năm 2022. Ví dụ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính tỷ lệ suy giảm là 15%.
Các nhà nghiên cứu quốc tế cũng nói, lệnh trừng phạt Nga rồi sẽ có hiệu quả.
Nhà nghiên cứu kinh tế Maria Shagina của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (ở Anh) dự báo tỷ lệ suy giảm 6%.
Tiến sĩ Shagina nói: “Nga tiếp tục bán dầu khí với giá kỷ lục và thu về một nguồn quỹ chiến tranh rất lớn để sử dụng trước khi tiến hành cuộc chiến ở Ukraine. Vậy, thoạt nhìn, Nga không bị ảnh hưởng nặng từ lệnh trừng phạt. Nhưng nếu xét ở tầm kinh tế vĩ mô, và nhất là ở ngành lắp ráp xe hơi và hàng không thì doanh số của các lĩnh vực này đã giảm hơn 80-90%. Về lâu dài, chúng ta đang nói về sự thay đổi cấu trúc của kinh tế Nga vì Nga không còn có thể tích lũy nguồn vốn phương Tây, và không còn có thể tiếp cận công nghệ EU. Nga liệu có thể giải quyết nhanh vấn đề này và đưa ra một mô hình kinh tế mới hay nhập vào đội với Trung Quốc, Ấn Độ? Ai có thể đưa ra mô hình đó còn là một dấu hỏi lớn”.
“Chiến tranh càng kéo dài, kinh tế Nga càng tổn thương”
Tiến sĩ Julian Hinz, thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) nói, các thống kê thương mại cho thấy lệnh trừng phạt có hiệu quả: “Kinh tế Nga đang phải chịu tổn thất lớn vì lệnh trừng phạt hơn các nền kinh tế châu Âu. Thực sự là không thể so sánh được”.
Nhà nghiên cứu này cho biết, Nga sẽ khó sản xuất các mặt hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu, vì ngành công nghiệp quốc gia này cần các sản phẩm sơ chế và bí quyết kỹ thuật từ nước ngoài.
Ông còn nói, Điện Kremlin sẽ chật vật tìm người mua dầu khí vốn không còn bán cho EU và Mỹ được nữa: “Có vài khả năng chuyển dòng khí qua Trung Quốc nhưng chỉ đạt khoảng 10% so với lượng bán qua châu Âu. Nói về sản lượng thì Nga không thể thay thế sản lượng chuyển qua châu Âu”.
Ủy viên Borrell nói rồi Nga sẽ bị cô lập: “Một nền kinh tế hiện đại khôn thể vận hành nếu bị cắt kết nối với các cường quốc kinh tế, kỹ thuật. Điều này sẽ gây tổn thất rất nhiều cho kinh tế Nga, tuy không phải một sớm một chiều. Chiến tranh càng kéo dài thì kinh tế Nga càng tổn thương nhiều”.
Tuy nhiên, theo Deutsche Welle, một số nhà nghiên cứu khác lại không tin kinh tế Nga sẽ sụp đổ. Alexander Libman, một giáo sư về chính trị Nga và Đông Âu ở Đại học Berlin đã tỏ ý nghi ngờ.
Gần đây, ông Libman phát biểu trên kênh truyền hình Đức Deutschlandfunk: “Lệnh trừng phạt sẽ không làm thay đổi bất kỳ điều gì trong vài tuần hoặc vài tháng. Người ta nên trung thực nhận ra lệnh trừng phạt là một công cụ nói chung không đạt hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến hành xử của các nước bị trừng phạt”.