Công nghệ thu phí không dừng của Việt Nam cao hơn Singapore
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:27, 30/07/2022
Từ ngày 1.8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC - Electronic Toll Collection). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.
Xe biển giả qua trạm, xe thật nằm nhà bị trừ tiền
Tại cuộc tọa đàm "Thu phí không dừng - Quyền lợi và trách nhiệm" vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho biết vừa rồi hàng loạt chủ xe khi đưa xe đi dán thẻ thu phí tự động không dừng ETC, qua kiểm tra mới phát hiện xe của mình đã được mở tài khoản thu phí ETC. Trong khi đó, các chủ xe đều khẳng định mình chưa hề đăng ký dán thẻ ETC tại bất kỳ đâu.
Trả lời vấn đề này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC cho rằng thời gian qua rất nhiều phương tiện truyền thông nêu vấn đề đó. Quy trình dán thẻ của VETC khá chặt chẽ khi các đơn vị triển khai. Có thể nhân viên VETC, có thể các đại lý hoặc các trung tâm đăng kiểm dán thẻ. Kết quả cuối cùng là chúng ta nghiệm thu công việc.
VETC khi dán thẻ đều phải có ảnh của xe để sau này đối chiếu các sự vụ xảy ra trong quá trình vận hành, có ảnh xe và thẻ dán trên xe thì VETC mới nghiệm thu. Rất khó để nhân viên hoặc đại lý kích hoạt khống xe. Hiện tại VETC chưa phát hiện trường hợp nào như thế.
Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC cho biết vẫn còn tỷ lệ 30% khách hàng chưa nạp tiền, chưa sử dụng. Để tránh hiện tượng này, VDTC đã xây dựng hệ thống nhân sự hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng. Nếu kiểm tra trên hệ thống mà đã có tài khoản bên VETC thì sẽ không thể đấu nối được.
“Chúng tôi cũng đã gửi văn bản thống kê cho VETC, có khoảng 4.000 xe đang lưu thông qua trạm nhưng chưa dán thẻ. VETC nên tổ chức đi dán để nâng cao tỷ lệ ETC qua các trạm. Đương nhiên VDTC không cổ súy, và phạt rất nặng việc tự kích hoạt, cũng như có hệ thống để giám sát đấu nối thuê bao cho khách hàng. Nếu đã đăng ký của nhà cung cấp dịch vụ số 1 thì phải hướng dẫn khách hàng sang nhà cung cấp dịch vụ số 1 để dán thẻ trong trường hợp thẻ hỏng hoặc thẻ bị lỗi hoặc có một lý do nào đấy như đổi chủ xe hoặc có những người đi thuê xe. Trong trường khách hàng có kiến nghị, chúng tôi đề nghị gọi số hotline để chúng tôi hỗ trợ khách hàng trực tiếp”, ông Trình nói.
Lý giải về hiện tượng sửa biển số xe hoặc đeo biển giả chạy qua trạm và xe biển thật bị trừ tiền khi đang ở gara, ông Hồ Trọng Vinh lưu ý: Khi xe có thẻ etag hoặc ePass của một đơn vị nào đấy có cùng màu xe, cùng biển số xe (cùng chủng loại xe, nhưng biển số giả giống như biển số xe thật ở nhà) đi qua trạm, hệ thống sẽ không đọc được thẻ đó do etag hoặc ePass là giả. Khi đó, nhân viên thu phí sẽ kiểm tra lại biển số xe trên hệ thống back-end (trung tâm dữ liệu), nếu thấy biển số xe này có đủ tiền và có thẻ trên xe, để giải quyết nhanh chóng không ùn tắc tại trạm thu phí, thì sẽ trừ offline nhưng thực chất là trừ tiền xe ở nhà.
“Bên chỗ anh Trình còn biện pháp đọc biển số xe để đối chiếu với xe đeo biển giả với xe ở nhà. Chúng tôi khuyến nghị cần cân nhắc, không nên dùng công nghệ đọc biển số để ngăn chặn việc dùng biển số giả hiện đang rất nhiều. Vấn đề biển số giả còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ thu phí, nên cần đến các cơ quan cao hơn xử lý”, ông Vinh nói.
Trạm ETC xảy ra lỗi có phải chịu trách nhiệm?
Khoản 3, điều 2 Nghị định 123/2021 quy định trường hợp điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng) đi vào làn đường dành riêng cho phương tiện thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Vậy trong trường hợp người điều khiển xe tuân thủ các quy định về thu phí tự động không dừng nhưng trạm ETC xảy ra lỗi, sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh đã quy định phải bình đẳng giữa người dân, bình đẳng với đối tượng phục vụ, người cung cấp dịch vụ. Anh không hoàn thành thì tôi phải xử lý anh, còn hình thức xử lý theo quy định.
Theo quy định, người dân vi phạm bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng, còn trong hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp dịch vụ và chủ đầu tư cũng đã khẳng định với nhau, nếu sai lỗi do chủ đầu tư thì cũng bị phạt, nhà cung cấp dịch vụ cũng bị phạt. Ngoài ra, còn về trách nhiệm là thực thi nhiệm vụ đối với các cơ quan đơn vị cũng phải nghiên cứu để xử lý.
“Hiện nay đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ cũng như Thanh tra Bộ thường xuyên kiểm tra giám sát. Chúng tôi biết đây là giai đoạn đầu nên rất khó khăn, có nhiều vấn đề. Chúng ta làm sao phối hợp tháo gỡ, từng bước tạo sự đồng thuận thống nhất, dần dần hoàn thiện quy trình để khai thác”, ông Thọ nói, và cho hay khi những phản ánh của người dân, của chủ phương tiện về bất cập thì phải ghi nhận, nghiên cứu xử lý và bổ sung. Hiện nay Bộ chỉ đạo rất sát vấn đề này.
Ông Bùi Trình cũng đồng tình cần phải có những bộ đánh giá, giám sát. Nguyên nhân xe không đi được qua trạm cũng do một phần tài khoản không đủ tiền, thẻ dán bên ngoài xe có thể hỏng hóc, bong tróc. Các nhà đầu tư BOT trong quá trình vận hành hoặc các nhà cung cấp dịch vụ hướng dẫn khách hàng đến điểm dịch vụ để kiểm tra chất lượng thẻ. Chủ phương tiện cũng lưu ý khi tham gia giao thông.
Công nghệ thu phí không dừng hiện đại hơn Singapore
Về công nghệ thu phí, ông Hồ Trọng Vinh cho hay thu phí không dừng áp dụng ở Việt Nam là công nghệ RFID rất tiên tiến. Nếu so sánh với Singapore cũng không dừng nhưng dùng công nghệ DSRC tức là vẫn dùng OBU bỏ trên xe, còn Việt Nam dùng công nghệ RFID, cao hơn DSRC. Đây là mô hình khác nhau tùy theo văn hóa của mỗi nước để thu phí không dừng.
Thu phí không dừng ở Việt Nam có 4 giai đoạn. Hiện nay đang ở giai đoạn 1, cố gắng tiến tới giai đoạn 2, xong đến giai đoạn 3, giai đoạn 4.
Ở giai đoạn 4 là giai đoạn đa làn tự do, tức là không còn trạm thu phí, không còn đảo thu phí nữa, các xe có thể đi qua. Đây là giai đoạn tốt nhất và mong muốn nhất của Bộ GTVT và Chính phủ.