Các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc có thể rơi xuống Trái đất

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:20, 26/07/2022

Các nhà khoa học lo ngại rằng các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B từ vụ phóng gần đây của Trung Quốc sẽ rơi trở lại Trái đất tại một địa điểm chưa thể xác định.
thien-cung.jpg
Tên lửa Trường Chinh 5B mang module Vấn Thiên được phóng vào quỹ đạo hôm 24.7

Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng vào ngày 24.7 từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, mang theo module Vấn Thiên hoạt động bằng năng lượng mặt trời lên trạm vũ trụ Thiên Cung. Do tên lửa có kích thước lớn nên các chuyên gia lo ngại rằng các mảnh vỡ của tầng đầu tiên sẽ không bốc cháy hết trong khí quyển mà rơi lại Trái đất.

Thông thường, sau khi tên lửa sử dụng hết tất cả nhiên liệu ở tầng đầu tiên, bộ phận này sẽ tách ra để giảm bớt trọng lượng và rơi trở lại Trái đất. Chúng luôn bốc cháy trong lúc lao qua khí quyển ở tốc độ cao. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh 5B có kích thước rất lớn khi cao gần 54 m và nặng gần 816.500 kg. Điều này sẽ dẫn đến một số khả năng xảy ra.

Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Smithsonian - Harvard cho biết: “Nó sẽ vỡ ra nhưng kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy một loạt các mảnh kim loại dài 30 m sẽ đâm xuống đất với vận tốc vài trăm km/h. Tàu vũ trụ càng lớn thì số lượng mảnh vụn vũ trụ rơi trở lại bầu khí quyển càng nhiều, đặc biệt là những mảnh vỡ làm bằng vật liệu chịu nhiệt”.

Holger Krag, Giám đốc Văn phòng Chương trình an toàn không gian của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), nói: “Rất khó để đánh giá khối lượng và số mảnh vỡ còn sót lại nếu không biết thiết kế của vật thể, nhưng tỷ lệ ước tính hợp lý là vào khoảng 20-40% khối lượng khô ban đầu”.

Vị trí mà các mảnh vỡ rơi xuống cũng rất khó dự đoán, đặc biệt là vào lúc này do hoạt động của Mặt trời đã gây ra các biến động khí quyển làm phức tạp việc mô hình hóa đường bay. Tốc độ của quá trình rơi khỏi quỹ đạo cũng phụ thuộc vào kích thước và mật độ của các vật thể.

“Một khi biết các phép đo chính xác và góc quỹ đạo của tên lửa, chúng ta có thể dự đoán chính xác hơn việc các mảnh vỡ rơi khi nào và ở đâu”, McDowell nhận định.

Video quá trình phóng module Vấn Thiên vào quỹ đạo

Khả năng mảnh vỡ rơi xuống khu vực có dân cư là rất thấp. NASA đã ước tính rằng tỷ lệ một người bị mảnh vỡ không gian rơi vào khoảng 1/3.200. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, do sự gia tăng của rác không gian trên quỹ đạo Trái đất, khả năng các mảnh vỡ rơi từ không trung xuống cũng tăng lên, đặc biệt ở Nam bán cầu. NASA hiện đang theo dõi 27.000 mảnh vỡ nhỏ trên quỹ đạo, di chuyển ở tốc độ lên tới gần 25.300 km/h.

Tên lửa có thể được thiết kế để tự rơi khỏi quỹ đạo và đáp xuống một khu vực cụ thể mà không gây thương tích cho con người hoặc thiệt hại về tài sản. Năm ngoái, một sự việc tương tự đã diễn ra khi một tầng lõi của một tên lửa Trung Quốc rơi xuống Ấn Độ Dương. Năm 2020, các mảnh vỡ bao gồm phần ống dài hơn 12 m rơi xuống hai ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, phá hủy một số tòa nhà.

Giám đốc NASA Bill Nelson nói rằng Trung Quốc đã “không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian của họ”. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không đồng ý và trước sự cố các mảnh vỡ ở Ấn Độ Dương năm 2021, Bộ Ngoại giao nước này nói rằng khả năng thiệt hại là “cực kỳ thấp”.

Long Hải