Amazon kiện admin 10.000 nhóm Facebook vì tuyển người đánh giá giả về sản phẩm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:13, 19/07/2022
Hôm 18.7, Amazon đã đệ đơn kiện các quản trị viên (admin) của hơn 10.000 nhóm Facebook điều phối tiền mặt hoặc hàng hóa cho những người sẵn sàng đăng các bài đánh giá giả về sản phẩm. Các nhóm toàn cầu đã được xây dựng để tuyển dụng những người đánh giá giả và hoạt động trong các cửa hàng trực tuyến của Amazon ở Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ý.
Nếu 10.000 nhóm nghe có vẻ nhiều, đó rõ ràng là tổng số nhóm mà Amazon đã báo cáo cho Facebook kể từ năm 2020. Amazon lưu ý rằng hành động pháp lý trước đây mà họ thực hiện đã có hiệu lực và "đóng cửa nhiều nhà môi giới đánh giá lớn", nhưng chúng vẫn còn tồn tại. Amazon đã kiện nhiều người vì điều này kể từ năm 2015 trở lại đây.
Chẳng hạn, công ty nêu tên nhóm Amazon Product Review (Đánh giá sản phẩm Amazon) với hơn 40.000 thành viên cho đến khi Facebook xóa nó đầu năm 2022. Nhóm đó đã tránh bị phát hiện thông qua chiến lược né tránh AI lâu đời là hoán đổi một vài chữ cái trong tên thành các cụm từ sẽ làm cho nó khó bị tìm thấy.
Amazon nói sẽ tận dụng quá trình khám phá để “xác định những kẻ xấu và xóa các bài đánh giá giả do những kẻ gian lận này ủy quyền chưa được phát hiện bởi công nghệ tiên tiến của công ty, các nhà điều tra chuyên nghiệp và giám sát liên tục”.
Việc giám sát có thể diễn ra liên tục nhưng rõ ràng là hàng ngàn bài đánh giá giả đã đẩy các sản phẩm lên trang chủ Amazon, website thương mại điện tử bán lẻ hàng đầu thế giới, mỗi ngày trên toàn thế giới.
Amazon đã gặp khó khăn với các bài đánh giá tăng xếp hạng sản phẩm một cách giả tạo trong nhiều năm. Một cuộc điều tra của tờ Washington Post vào năm 2018 cho thấy rằng các đánh giá giả rõ ràng đã thống trị một số danh mục sản phẩm trên Amazon, bao gồm cả tai nghe Bluetooth và thực phẩm chức năng.
Vào thời điểm đó, Washington Post nhận thấy một ngành tiểu thủ công nghiệp đang phát triển mạnh bán các đánh giá giả. Người bán kêu gọi người mua hàng Amazon trên Facebook ở “hàng chục nhóm, bao gồm cả Amazon Review Club và Amazon Reviewers Group, để đưa ra phản hồi tốt để đổi lấy tiền hoặc các khoản khác”, theo Washington Post.
Amazon đã thừa nhận phạm vi của vấn đề trong một bài đăng trên blog vào năm ngoái. “Do những cải tiến liên tục của chúng tôi trong việc phát hiện các đánh giá giả và kết nối giữa các tài khoản mua và bán của kẻ xấu, chúng tôi đã nhận thấy xu hướng ngày càng tăng của những kẻ xấu cố gắng thu hút nhiều người đưa ra các đánh giá giả trên Amazon, đặc biệt là thông qua các dịch vụ truyền thông xã hội”, công ty viết.
Amazon cho biết đã báo cáo hơn 1.000 nhóm đánh giá bán hàng trên các nền tảng truyền thông xã hội trong quý 1/2021, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Không rõ điều đó nói lên sự phổ biến của các bài đánh giá giả hay nhà bán lẻ trực tuyến xem xét vấn đề nghiêm túc hơn, nhưng Amazon muốn đổ lỗi cho các công ty truyền thông xã hội vì kiểm soát lỏng lẻo các nhóm đó khi chúng vi phạm các quy tắc nền tảng.
Cuối cùng, các bài đánh giá giả không phải là loại nội dung gây hiểu lầm tồi tệ nhất mà các công ty internet đang không loại bỏ được. Thế nhưng, chúng là một ví dụ khác về cách, khi người ta có một cổ máy internet đủ lớn để in tiền, các vấn đề mang tính hệ thống có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong trường hợp này, một ngành công nghiệp nhỏ gồm những người kiếm tiền từ việc đánh giá những sản phẩm tệ thành tốt và khi việc đó đã diễn ra ổn định, rất khó để ngăn chặn điều mà cỗ máy kiếm tiền lớn tạo ra.
Hồi tháng 6.2021, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) của Vương quốc Anh đã mở một cuộc điều tra với Amazon và Google vì lo ngại hai công ty này chưa làm đủ những gì cần thiết để giải quyết các đánh giá giả mạo.
“Chúng tôi đang điều tra những lo ngại cho rằng Amazon và Google đã không làm đủ để ngăn chặn hoặc xóa các đánh giá giả mạo để bảo vệ khách hàng và các doanh nghiệp trung thực. Điều quan trọng là những nền tảng công nghệ này phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi sẵn sàng hành động nếu thấy họ làm chưa đủ”, Giám đốc điều hành CMA - Andrea Coscelli nói.
CMA cho biết họ lo lắng các hệ thống của Amazon không ngăn được người bán thao túng danh sách sản phẩm và sẽ thực hiện hành động mạnh tay, bao gồm cả việc đưa các công ty ra tòa nếu cần thiết vì vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng.
Đáp lại, Amazon cho biết công ty đang dành nguồn lực đáng kể để ngăn chặn các đánh giá giả hoặc khuyến khích mua hàng.
“Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo các bài đánh giá là phản ánh chính xác trải nghiệm mà khách hàng đã có với một sản phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ CMA bằng cách trả lời các câu hỏi của họ”, người phát ngôn của Amazon nói với trang CNBC.
Trong khi đó, Google khẳng định chính sách của công ty nêu rõ các bài đánh giá phải dựa trên trải nghiệm thực tế.
“Khi phát hiện vi phạm chính sách, chúng tôi sẽ hành động, từ việc xóa nội dung lạm dụng đến vô hiệu hóa tài khoản người dùng. Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với CMA để chia sẻ nhiều hơn về cách hoạt động của nhóm đánh giá, về công nghệ hàng đầu của chúng tôi nhằm giúp người dùng tìm thấy thông tin hữu ích trên Google”, công ty thông báo.
CMA đã bắt đầu điều tra về vấn đề đánh giá giả vào tháng 5.2020. Đầu năm 2020, Facebook và eBay đã phải xóa một số nhóm và tài khoản có đánh giá giả. Đến tháng 4.2021, CMA cho biết Facebook đã xóa thêm hàng ngàn nhóm khác và thực hiện các thay đổi tiếp theo với hệ thống để xác định, xóa và ngăn nội dung đánh giá giả mạo xuất hiện trên nền tảng của mình.