Dùng DNA từ máu muỗi tìm ra siêu đạo chích: Cảnh sát Trung Quốc không phải đầu tiên

Thế giới gia đình - Ngày đăng : 17:06, 16/07/2022

Hôm 16.7, trang SCMP đưa tin hai con muỗi đã giúp cảnh sát Trung Quốc bắt tên trộm sau khi chúng chích và hút máu của hắn. Cảnh sát sử dụng máu trong xét nghiệm DNA để tìm ra siêu đạo chích.

Tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc, tên trộm đã đột nhập vào một khu dân cư vào khoảng 13 giờ chiều 11.6. Theo báo cáo của Cảnh sát Phúc Châu trên tài khoản WeChat của mình, kẻ trộm đã lấy một số món đồ có giá trị.

Cánh cửa được đóng từ bên trong khi cảnh sát đến và họ phát hiện ra tên trộm đã lẻn vào căn hộ từ ban công.

Đột nhập được vào nhà, tên trộm đã nấu chín trứng và mì trước khi nghỉ qua đêm. Hắn đã sử dụng một chiếc chăn trong phòng ngủ của chủ nhân và đốt nhang chống muỗi. Cảnh sát tìm thấy hai con muỗi đã chết và vết máu trên tường phòng khách.

Cảnh sát nhanh chóng đưa ra kết luận rằng hai vết máu do nghi phạm để lại. Theo cảnh sát, nếu vết máu do người trong nhà để lại, họ đã sạch lau tường.

Các mẫu máu sau đó đã được cảnh sát thu thập từ bức tường, gửi đi xét nghiệm DNA rồi so sánh với hồ sơ tội phạm của họ.

canh-sat-trung-quoc-dung-dna-tu-mau-muoi12.jpg
Cảnh sát đã sử dụng vết máu từ hai con muỗi chết trên tường để tìm ra tội phạm - Ảnh: Weibo

Mẫu DNA trùng khớp với mẫu DNA của một tên tội phạm mà cảnh sát từng biết đến, có tên là Chai. Sau đó, hắn đã bị cảnh sát giam giữ vào ngày 30.6.

Sau khi bị thẩm vấn, Chai đã thú nhận đột nhập vào nhà nạn nhân nói trên và thực hiện 4 vụ trộm khác.

canh-sat-trung-quoc-dung-dna-tu-mau-muoi1.jpg
Sau khi cảnh sát sử dụng DNA để xác định danh tính, siêu đạo chích đã thú nhận tội lỗi và những vụ đột nhập khác gần đây - Ảnh: Weibo

Nhiều người bình luận trên bài đăng trên WeChat tỏ ra thích thú khi cho rằng hai con muỗi chết là vật chứng chính trong vụ án và ngạc nhiên vì tên trộm liều lĩnh ở qua đêm trong nhà nạn nhân.

Một người nói: “Làm sao anh ta dám qua đêm ở hiện trường. Người này thực sự có vấn đề tâm lý nghiêm trọng".

Một người khác nói đùa: “Đó là sự trả thù từ những con muỗi. Tôi đã sai khi nghĩ rằng muỗi vô dụng”.

"Cảnh sát Trung Quốc có phải là những người đầu tiên dùng muỗi phá án?", một người đặt câu hỏi.

Truy tìm DNA thường là công cụ quan trọng của cảnh sát Trung Quốc trong việc giải quyết các vụ án.

Hồi tháng 6.2022, cảnh sát Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc đã bắt giữ người phụ nữ 69 tuổi vì ném một lõi ngô từ một tòa nhà cao tầng xuống trúng đầu đứa trẻ 8 tháng tuổi, bằng cách so sánh mẫu nước bọt với cặn trên vỏ ngô.

Theo thống kê của cảnh sát Trùng Khánh, trong những năm gần đây, hơn 10% các vụ án hình sự do họ giải quyết đều dựa vào công nghệ DNA để làm bằng chứng quan trọng.

Dù vậy, cảnh sát Trung Quốc không phải người đầu tiên bắt trộm hay phá án nhờ muỗi.

Hồi tháng 12.2008, Cảnh sát quận Lapur, Phần Lan đã bắt được một tên trộm ô tô chuyên nghiệp nhờ phân tích mẫu máu từ bụng những con muỗi trong xe hơi.

Sự việc bắt đầu từ cuối tháng 6.2008, Cảnh sát quận Lapur điều tra và truy tìm nghi phạm trộm ô tô nhiều lần song không có chứng cứ kết tội. Một lần hắn bỏ lại chiếc ô tô đánh cắp do đánh hơi thấy sự nguy hiểm và cảnh sát đã nhờ tới các chuyên gia phân tích DNA.

Họ tìm thấy những con muỗi no bụng máu trong khoang lái ô tô ở thành phố Seinaejoki nhiều tuần sau khi nó bị đánh cắp tại thị trấn cách đó khoảng 25 km và ngay lập tức mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm. Phân tích DNA cho kết quả trùng hợp với mẫu tế bào máu của tội phạm lưu trong hồ sơ. Với bằng chứng này, tên trộm đã không thể chối cãi. Hắn khai nhận đã gây ra vụ đánh cắp chiếc ô tô trên.

Đây là lần đầu tiên cảnh sát Phần Lan sử dụng côn trùng để phá án.

Giải mã vật chủ hấp dẫn muỗi lây lan bệnh sốt xuất huyết và Zika

Phát hiện mở ra cánh cửa cho một chiến lược mới sử dụng vitamin bổ sung để kiểm soát các bệnh do muỗi truyền.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện vi rút Dengue và Zika có thể điều khiển mùi hương của vật chủ làm cho nó hấp dẫn hơn với muỗi.

Phát hiện được công bố trên Tạp chí trực tuyến Cell đã mở đầu cho một chiến lược mới để kiểm soát các bệnh do muỗi vằn truyền bằng cách bổ sung vitamin để làm gián đoạn quá trình và có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút cho người khác.

Vi rút Dengue gây sốt xuất huyết, phát ban và đôi khi tử vong, do muỗi truyền ở các khu vực nhiệt đới và gây ra hơn 50 triệu ca bệnh mỗi năm.

Vi rút Zika có thể gây ra các biến chứng về não hoặc hệ thần kinh và dị tật bẩm sinh khi phụ nữ mang thai nhiễm bệnh. Trong khí hậu nhiệt đới, bệnh này lây lan do muỗi đốt động vật ký chủ bị nhiễm bệnh và truyền vi rút cho người khác qua các vết cắn trong tương lai.

Người ta biết rằng một số bệnh làm thay đổi mùi của vật chủ, khiến nó trở nên hấp dẫn với muỗi.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa, Viện Các bệnh truyền nhiễm ở Thâm Quyến và Bệnh viện Trung y Thụy Lệ, đã bắt đầu nghiên cứu đột phá của họ bằng cách xem xét liệu điều này có áp dụng cho vi rút Dengue và Zika không.

Muỗi dựa vào khứu giác để phát hiện vật chủ và hướng dẫn các hành vi sinh tồn cơ bản. Khi bắt đầu nghiên cứu này, chúng tôi nhận thấy rằng muỗi thích tìm kiếm, chích những con chuột bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết và Zika”, theo trưởng nhóm nghiên cứu, Cheng Gong thuộc Trường Y của Đại học Thanh Hoa.

Qua các cuộc kiểm tra, họ nhận thấy muỗi bị thu hút bởi những con chuột nhiễm bệnh sốt xuất huyết và Zika hơn những con chuột khỏe mạnh. Họ đã vào cuộc để điều tra nguyên nhân của sự hấp dẫn này.

Phân tích hóa học những con chuột và con người nhiễm bệnh đã xác định được một phân tử, được gọi là acetophenone, mà muỗi thấy đặc biệt hấp dẫn. Acetophenone được tạo ra bởi một số vi khuẩn Bacillus phát triển trên da của người và chuột.

Thông thường, da sản xuất đủ mức protein quan trọng, RELMa, điều chỉnh thành phần của hệ vi sinh vật trên da. Tuy nhiên, sau khi nhiễm vi rút Zika hoặc sốt xuất huyết, vật chủ không thể sản xuất đủ protein và acetophenone trở nên dồi dào, các nhà nghiên cứu phát hiện.

Cheng Gong cho biết flavivirus như Dengue và Zika có thể sử dụng sự gia tăng acetophenone để hỗ trợ vòng đời của nó hiệu quả hơn, “bằng cách làm cho vật chủ của chúng hấp dẫn hơn với muỗi”.

Để xác nhận rằng acetophenone thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút muỗi, các nhà nghiên cứu đã áp dụng phân tử này làm sạch chuột và tay của những người tình nguyện. Kết quả cho thấy acetophenone là chất hấp dẫn mạnh với muỗi.

Họ cũng sử dụng cả hai bàn tay của tình nguyện viên - một lòng bàn tay có hỗn hợp chất tạo mùi hôi nách của bệnh nhân sốt xuất huyết và cái kia của những bệnh nhân khỏe mạnh không mắc bệnh - để so sánh.

Bàn tay của tình nguyện viên đã được đặt vào hai buồng kính hơn 30 phút. Kết quả là bàn tay có chất chiết xuất dễ bay hơi từ bệnh nhân sốt xuất huyết hấp dẫn muỗi hơn bàn tay có chất chiết xuất từ ​​những người khỏe mạnh.

Protein điều hòa vi khuẩn sản xuất acetophenone có thể được tạo ra với các dẫn xuất của vitamin A. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cho những con chuột bị nhiễm bệnh uống vitamin A, loại thường được sử dụng để điều trị các bệnh về da, làm giảm lượng acetophenone do chuột sản sinh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tiềm năng về một phương pháp mới để kiểm soát sự lây lan các bệnh do muỗi truyền như Dengue và Zika.

Cheng Gong nói nhóm của ông dự định áp dụng nghiên cứu trong thế giới thực bằng cách tiêm isotretinoin, một loại dẫn xuất của vitamin A, cho bệnh nhân sốt xuất huyết ở Malaysia.

Sơn Vân