Cơ hội cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 22:22, 10/07/2022
Năm nay, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 62 năm Ngày Du lịch Việt Nam, Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND quận Cái Răng tổ chức Ngày hội du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” diễn ra từ ngày 9-11.7 với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng. Các hoạt động trong chuỗi ngày hội gồm: Chương trình văn nghệ chào mừng; Diễu hành tàu từ Bến Ninh Kiều đến chợ nổi; Triển lãm sách và đố vui; Giải vô địch Karate Miền Nam; Đờn ca tài tử trên chợ nổi; Hội thi tạo hình, trang trí từ các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng địa phương; Diễu hành và giới thiệu hàng hóa nông sản trên ghe, tàu; Hoạt động ẩm thực, bánh dân gian, quà lưu niệm… Tất cả hoạt động này nhằm giới thiệu và quảng bá du lịch Cần Thơ với du khách trong và ngoài nước.
Cũng theo Sở VH-TT-DL Cần Thơ, kết quả hoạt động du lịch trong quý II.2022 tăng mạnh so với quý I.2022. Kết quả 6 tháng đầu năm 2022, TP.Cần Thơ đón hơn 3,1 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 77,7% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp lưu trú phục vụ hơn 1,2 triệu lượt, tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 60,6% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch đạt hơn 2.042 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, đạt 60,1% kế hoạch năm.
Tại An Giang, tình hình du lịch cũng khởi sắc mạnh mẽ. Lượng du khách tăng, hoạt động du lịch trở nên khá nhộn nhịp. Ông Trần Minh Trí - Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang cho biết: “Du lịch An Giang phục hồi mạnh mẽ so với trước đại dịch. Tuy nhiên khách du lịch quốc tế còn vắng. An Giang vẫn chưa níu chân khách lưu trú. Du khách đi về trong ngày về chiếm 70%. An Giang cần phải cố gắng nhiều hơn nữa điểm du lịch, loại hình vui chơi giải trí cũng như hoạt động du lịch để giữ chân du khách”.
Phó giám đốc Sở VHTT-DL An Giang Đào Sĩ Tuấn cho biết, 6 tháng đầu năm nay An Giang thu hút hơn 5 triệu lượt du khách. Cao hơn cùng kỳ các năm chưa có dịch bệnh. Ở An Giang du lịch núi Sam, núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư... là những điểm nhấn thu hút khách du lịch trong 6 tháng qua.
Tại Bạc Liêu, trong quý 2.2022 tình hình du lịch đã phục hồi rất tốt. Bạc Liêu từ lâu là điểm du lịch được chú ý ở ĐBSCL bởi du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Khu tưởng niệm nghệ sĩ Cao Văn Lầu, khu du lịch tâm linh Phật Bà Nam Hải, khu nhà ở của gia đình công tử Bạc Liêu... Ông Trịnh Công Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch Bạc Liêu cho biết: “Du lịch Bạc Liêu phục hồi rất mạnh, tuy nhiên du khách đến và về trong ngày, đó cũng là tình hình chung. Thiết nghĩ, để giữ chân du khách, ngành du lịch Bạc Liêu phải đầu tư mạnh hơn, tạo ra những điểm vui chơi, giải trí để giữ chân du khách. Điều này cần sự hỗ trợ vốn vay từ chính sách phục hồi du lịch”.
Tại Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng... từ quý II.2022 tình hình du lịch cũng đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Ông Lê Hải Phúc - Giám đốc Công ty TNHH quảng cáo truyền thông Dấu Ấn Việt, cho rằng: “Hiện nay có phong trào khôi phục các điểm du lịch truyền thống, đẩy mạnh các hoạt động du lịch sinh thái, miệt vườn. Làm mới các hoạt động du lịch tại các điểm vui chơi, giải trí, đó cũng là cách thu hút du khách. Cách tân ẩm thực truyền thống cũng như sáng tạo những trò chơi dân gian, trò chơi trong sinh hoạt Đoàn hội, tạo ra những nét mới mẽ cho những điểm du lịch sinh thái trong vùng. Đó là những điểm mới trong du lịch ĐBSCL”
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó giám đốc Phụ trách Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ cho biết, để tận dụng cơ hội phục hồi, phát triển du lịch ĐBSCL, Cần Thơ đang liên kết để xây dựng thành phố trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL về lưu trú, vui chơi giải trí. Cần Thơ cũng đang phối hợp với Cụm liên kết, hợp tác TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL xây dựng chương trình giới thiệu tiềm năng, lợi thế sản phẩm du lịch tại sự kiện VITM - Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Vietnam International Travel Mart.
Nhìn chung, du lịch ĐBSCL đang đứng trước những cơ hội lớn để phục hồi, phát triển. Làm thế nào để nắm bắt thời cơ - đây thuộc khả năng của từng doanh nghiệp, từng địa phương trước vận hội mới. Vì cơ hội bao giờ cũng đi đôi với thách thức.