Khái niệm Chiến lược của NATO đề phòng sức mạnh quân sự Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 14:29, 27/06/2022

Tài liệu Khái niệm Chiến lược (Strategic Concept) của NATO chú trọng việc quân đội Trung Quốc đã vươn rộng đến Thái Bình Dương và ra xa hơn.

Khái niệm Chiến lược là một tài liệu cơ bản của Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ được trình tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha trong hai ngày 29, 30.6 tới.

Khái niệm Chiến lược được soạn mới 10 năm/lần, nêu rõ các thách thức an ninh chính mà NATO phải đối mặt, cũng như định hướng cho sự phát triển chính trị-quân sự của tổ chức này.

Hiện Trung Quốc chỉ công nhận chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài, ở Djibouti thuộc Đông Phi. Nhưng nhiều người nhận định Quân đội Trung Quốc  đang lập một mạng lưới quân sự ở nước ngoài, dù thậm chí không dùng chữ “căn cứ”.

Hồi tháng 5, Tướng Stephen J. Townsend, chỉ huy quân Mỹ ở châu Phi, đã cảnh báo Trung Quốc đang cố gắng lập một căn cứ hải quân ở khu vực Đại Tây Dương phía châu Phi. Ông nói Trung Quốc muốn lập căn cứ ở Equatorial Guinea, một đảo quốc nhỏ giàu dầu thô.

Khái niệm Chiến lược sẽ có ngôn từ "mạnh mẽ" về Trung Quốc

Ngày 26.6, một quan chức Nhà Trắng nói Mỹ tin tưởng tài liệu Khái niệm Chiến lược mới sẽ có ngôn ngữ “mạnh mẽ” về Trung Quốc.

Theo báo The Age ngày 27.6, dự kiến đây là lần đầu tiên Khái niệm Chiến lược đề cập đến Trung Quốc. Và việc NATO mời Thủ tướng Úc Anthony Albanese cùng một số nhà lãnh đạo các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dự hội nghị thượng đỉnh NATO là để khẳng định rõ quan điểm về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh mà Nga tiến hành ở Ukraine.

Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã cùng Mỹ và Anh phát thông điệp rằng cuộc chiến ở Ukraine không làm các nước phương Tây ngưng chú ý đến Trung Quốc.

Mới đây, Mỹ, Anh, Úc, Nhật và New Zealand lập một sáng kiến mới để giúp các đảo quốc ở Thái Bình Dương, trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở vùng biển mà Trung Quốc ngày càng chú ý gây ảnh hưởng.

Sáng kiến này nhằm giúp các đảo quốc nhỏ - như Fiji, Palau, Samoa và Quần đảo the Marshall -giải quyết các vấn nạn từ sự thay đổi thời tiết đến đánh cá trái phép, nhưng cũng phát tín hiệu về một nỗ lực thống nhất để đối trọng với các sáng kiến của Trung Quốc.

NATO vẫn chú ý đến  sự trỗi dậy của Trung Quốc 

Các quốc gia châu Âu cũng ngày càng lo ngại việc Trung Quốc đầu tư vào các khí tài quân sự mới và hiện đại, cùng tham vọng kiểm soát các cơ sở hạ tầng chủ đạo.

Điều này buộc lãnh đạo NATO sẽ phải có một quan điểm mạnh mẽ hơn.

Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói Trung Quốc “đang công khai thách thức trật tự dựa theo luật của thế giới. Chúng ta không xem Trung Quốc là đối thủ, nhưng chúng ta cần ghi nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến việc chúng ta chú ý tới là quan trọng”.

Tuyên bố này khác với tuyên bố của ông Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh năm 2021 tại Brussells, Bỉ. Lúc đó ông nói dù Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự, mở rộng tầm ảnh hưởng và có những hành vi o ép khiến an ninh của NATO bị thách thức, thì vẫn còn những cơ hội làm việc với Bắc Kinh, nhất là “về những vấn đề như sự thay đổi thời tiết và kiểm soát vũ khí”.

Trung Quốc đã liên tục chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây, gồm sự cấm vận Nga. Trung Quốc cũng chỉ trích vì chủ trương mở rộng về phía đông của NATO đã làm bùng phát khủng hoảng Ukraine.

Trong ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-7 hôm 26.6, lãnh đạo khối này cũng đề cập những “hành vi o ép kinh tế” của Trung Quốc đã gia tăng trong những năm gần đây.

Lãnh đạo G-7 đã ký Hiệp định Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu, hứa quyên góp 600 tỉ USD trong 5 năm để tài trợ cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, nhằm làm đối trọng với dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc.

Bảo Vĩnh