Ngành chip quay cuồng trong bão giá
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:01, 20/06/2022
Vincent Liu - chủ tịch công ty hóa chất LCY Chemical (Đài Loan) - giải thích tình hình: “Ngành này có tính liên kết cao. Tắc nghẽn cùng biến động giá nguyên liệu đầu vào có thể tác động đến sản phẩm chủ chốt khác ở đầu ra, giống như phản ứng dây chuyền vậy”.
Ông lấy sản phẩm chính của LCY Chemical làm ví dụ: cồn isopropyl dùng cho hàng điện tử (EIPA). Đây là hóa chất cần thiết cho việc làm sạch đĩa bán dẫn cùng vài thiết bị khác trong quá trình sản xuất chip. Sản lượng cùng giá cả EIPA gắn liền với dầu thô.
Dầu thô được dùng để sản xuất naphtha, naphtha được điều chế thành propylene – thành phần chính trong EIPA. Điều này có nghĩa giá dầu cao hơn gián tiếp làm tăng chi phí hóa chất sản xuất chip.
Tính đến ngày 15.6, giá dầu Brent đã tăng hơn 70% so với 1 năm trước và giữ mức hơn 100 USD/thùng từ cuối tháng 2 đến nay.
“Chúng tôi nhận ra xu hướng nhiều kim loại cùng vật liệu tăng giá kể từ năm 2021 nên bắt đầu chuẩn bị ứng phó. Chi phí kho vận tăng lại làm tăng thêm áp lực. Chúng tôi không mong đợi tắc nghẽn về kho vận sẽ chấm dứt vào cuối năm nay mà có thể kéo dài sang năm sau”, ông Liu cho biết.
Cũng theo ông Liu, chi phí xây dựng một nhà máy nay đắt đỏ hơn ít nhất 20 - 30% so với 1 hoặc 2 năm trước.
Sản xuất chip cần dùng hàng trăm loại hóa chất, khí và vật liệu được pha chế đạt độ tinh khiết cao – tất cả chiếm khoảng 20% chi phí sản xuất. Nhưng mắc xích này của chuỗi cung ứng thường chẳng được quan tâm đúng mức vì nguồn cung lẫn giá cả hóa chất cùng vật liệu khá ổn định.
Tình hình thay đổi khi dịch COVID-19 bùng phát, tại Ukraine xảy ra chiến tranh, nhu cầu chip tăng đột biến vì loạt ứng dụng công nghệ mới như 5G hay xe điện. Ba yếu tố này làm mất cân bằng cung cầu.
Một giám đốc cấp cao của Wah Lee Industrial - đơn vị cung cấp hóa chất và vật liệu sản xuất chip có trụ sở tại Đài Loan - đưa ra đánh giá tương tự chủ tịch Liu. Ông cho biết giá năng lượng leo thang khiến giá hóa chất như axit sulfuric và hydrogen peroxide tăng vọt.
Giá kim loại cũng tăng vì gián đoạn nguồn cung cộng thêm nhu cầu xe điện tăng. Theo vị giám đốc cấp cao: “Có lẽ chúng ta phải chịu một tương lai tốn kém hơn. Không có khả năng giá hóa chất và kim loại giảm đột ngột”.
Hàng loạt kim loại độ tinh khiết cao quan trọng với ngành - palladium, indium, platinum, đồng, nhôm và thép không gỉ - đều tăng giá. Nhiều loại không chỉ được sử dụng trong sản xuất chip cùng thiết bị liên quan, mà còn được trộn với hóa chất tạo thành công thức dùng trong quá trình sản xuất.
Liu Chi-tung - giám đốc tài chính United Microelectronics (UMC) - nhận xét tình hình đang trở nên khó khăn hơn với ngành chip và công ty của mình, ông cân nhắc chuyển một phần chi phí sang khách hàng. UMC là đơn vị gia công chip theo hợp đồng lớn thứ 4 thế giới.
Yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe của ngành khiến việc tìm nguồn cung hóa chất và vật liệu thay thế không phải nhiệm vụ dễ dàng. Hầu hết đơn vị sản xuất đều sở hữu công thức hóa chất ưa thích riêng để tối ưu hóa sản xuất, chỉ số ít nhà cung cấp đáp ứng được nhu cầu này.
Neon - loại khí dùng trong khâu quang khắc (lithography) - là ví dụ tiêu biểu. Giá mặt hàng đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, theo Jeffrey Pan – chủ tịch công ty Topco Scientific.
“Hầu hết đơn vị sản xuất chip lớn đều đang xem xét nguồn cung mới sau khi đảm bảo nguồn cung khẩn cấp. Tuy nhiên quá trình xem xét cần ít nhất 6 tháng để chắc chắc rằng chất lượng hóa chất không ảnh hưởng chất lượng sản phẩm chip”, chủ tịch Pan cho biết. Ông còn nói rằng không chỉ neon, giá photoresist cũng sẽ tăng khoảng 20% nếu ký hợp đồng cung cấp bắt đầu từ năm nay.
Kho vận góp phần làm tăng giá. Giám đốc cấp cao của một công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip Nhật Bản cho biết: “Trừ phi được sản xuất trong nước, nếu không hóa chất phải được trữ trong thùng chứa đặc biệt gọi là bể ISO rồi vận chuyển bằng đường biển. Vận chuyển hàng hóa đường biển bị xáo trộn kể từ khi đại dịch bùng phát. Không chỉ chi phí kho vận tăng mà thời gian chờ hàng cũng tăng từ 1 tháng lên ít nhất 3 tháng”.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi không có sàn giao dịch tập trung để cung cấp giá tham chiếu. Đơn vị sản xuất chip đều nhận báo giá trực tiếp từ đơn vị cung cấp.
Dù giá tăng xảy ra trên diện rộng, nhưng đến nay tác động chủ yếu chỉ rơi vào đơn vị quy mô nhỏ. Giá giao ngay photoresist cho một số đơn vị sản xuất chip quy mô nhỏ ở Đài Loan và Trung Quốc đã tăng gấp đôi. Họ cũng phải trả nhiều hơn 40% để mua bùn than CMP dùng trong khâu đánh bóng và làm nhẵn bề mặt đĩa bán dẫn.
Chủ tịch công ty tư vấn Techcet Lita Shon-Roy cho biết đơn vị sản xuất chip hàng đầu như Intel, TSMC, Samsung thường ký hợp đồng dài hạn với bên cung cấp hóa chất và vật liệu nên họ cảm thấy ngay tác động của tăng giá. Họ có sức mua lớn, kiểm soát chuỗi cung ứng tốt hơn.