TP.HCM muốn gấp rút triển khai dự án đường sắt nối với Cần Thơ
Sự kiện - Ngày đăng : 19:34, 17/06/2022
Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đại diện 5 tỉnh TP có tuyến đường sắt đi qua gồm TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long và Bình Dương.
Dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ nối 2 vùng kinh tế trọng điểm phía nam là TP.HCM và Cần Thơ, với chiều dài 174 km, tổng vốn là 170.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 56.000 tỉ đồng qua 6 địa phương, 85.000 tỉ đồng xây lắp. Đường sắt hàng hóa bắt đầu từ ga An Bình, Dĩ An (Bình Dương), ga hành khách bắt đầu từ ga Tân Kiên (Bình Chánh) và điểm cuối cùng là ga Cái Răng (Cần Thơ). Tổng chiều dài 174 km đối với ga hàng hóa, 135 - 140 km đối với hành khách. Số lượng ga là 13 ga, qua các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các địa phương cùng đơn vị tư vấn chú ý vị trí xây nhà ga, nhất là ga hàng hóa nhằm kết nối nguồn hàng, các trung tâm logistics... Điều này giúp khai thác tối đa lợi thế vận chuyển hàng hóa của tàu. Ngoài ra, các tỉnh thành cần sớm đưa dự án vào quy hoạch chung để có pháp lý về phạm vi thực hiện, hướng tuyến.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng có rất nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá kinh tế - xã hội toàn vùng chưa đủ để đầu tư. Đây là cách tư duy giao thông chỉ đi theo phục vụ nhu cầu, mà không đi trước mở đường tạo không gian phát triển. Đồng thời, ông Mãi cho rằng hiện nay cần thay đổi tiếp cận dưới góc độ giao thông. Từ đó, định hướng mở đường tạo không gian phát triển, đóng góp vào định hướng phát triển kết nối vùng ĐBSCL, tạo ra động lực mới cho kinh tế toàn vùng trọng điểm phía Nam.
Vì vậy, cần gấp rút triển khai sớm, hoàn thành cơ bản hồ sơ trước năm 2025. Thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đây là tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm - dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới. Dự án được nghiên cứu cho tàu khách chạy 190 km/h và 120 km/h với tàu hàng. Công trình giúp thời gian từ TP.HCM đi Cần Thơ được rút ngắn còn 75-80 phút, thay vì 4-5 giờ bằng đường bộ như hiện nay.
Dự báo về nhu cầu phát triển, đến năm 2030, nhu cầu hành khách khoảng 4,1 triệu, chiếm khoảng 3%; đến 2050 tăng lên 22 triệu hành khách, chiếm 8,8% thị phần vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa, đến 2030, gần 5 triệu tấn hàng hóa, chiếm 0,85% thị phần, 2050 tăng lên 41 triệu tấn hàng hóa, chiếm 3% thị phần vận tải.
Khảo sát về giá thành vận tải, với đường bộ hiện nay tốc độ trung bình đối với hành khách từ 60 - 80 km/giờ, giá từ 800 - 1.000 đồng/km; còn đối với hàng hóa là 50 km/giờ, giá 1.800 đồng/km. Với đường sắt thông thường, vận tải hành khách tốc độ từ 55 - 60 km/giờ và giá vé từ 600 - 1.000 đồng/km, vận tải hàng hóa tốc độ khoảng 45 km/giờ và giá thành khoảng 400 đồng/km. Trong trường hợp đường sắt cao tốc đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 200 km/giờ, giá thành dự kiến cao hơn vận tải bằng đường sắt thông thường khoảng 5 - 10%.