Nhật Bản tăng khả năng phòng thủ để đề phòng Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 17:19, 17/06/2022
Sau 75 năm bị Hiến pháp ưa chuộng hòa bình trói tay, việc tăng sức mạnh của Cục Phòng vệ Nhật (SDF) xuất phát từ việc Nhật bị sốc trước việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, cùng với việc Trung Quốc hoạt động quân sự rầm rộ ở xung quanh Đài Loan.
Tại diễn đàn an ninh châu Á Đối thoại Shangri-La (SDL 2022) ở Singapore tuần trước, Thủ tướng Kishida đã tuyên bố : “Tôi quyết tâm tái củng cố khả năng phòng thủ của Nhật trong năm năm tới, và bảo đảm tăng mạnh khoản chi quốc phòng cần thiết để thực hiện khả năng đó. Nhật sẽ không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào, kể cả điều gọi là “khả năng phản công”, và sẽ xem xét điều gì cần làm để bảo đảm tính mạng và cuộc sống của nhân dân chúng tôi”.
Thủ tướng Kishida còn nói tại SDL 2022: “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á trong nay mai”.
Nhật phải cảnh giác vì quá gần Đài Loan
Trung Quốc đã có những hoạt động quân sự ở quanh Đài Loan trong thời gian gần đây, xem Đài Loan là một phần lãnh thổ và Trung Quốc đã tuyên bố nếu cần thiết sẽ dùng vũ lực để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.
Mối đe dọa từ Trung Quốc dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan càng khiến Nhật cảnh giác. Đài Loan chỉ cách đảo Yonaguni Jima của Nhật có 67 dặm.
Ông Koichiro Matsumoto, Phó chánh văn phòng thủ tướng Nhật, nói với CNBC : “Vì chúng tôi quá gần Đài Loan, an ninh Eo biển Đài Loan cũng là mối quan ngại của chúng tôi. Chúng tôi phải ghi nhớ cán cân quân sự giữa Trung Quốc với Đài Loan đang nghiêng về phía Trung Quốc và xem ra cách biệt này ngày càng lớn trong từng năm”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận với CNBC.
Nhắc lại lời hứa của Thủ tướng Kishida là Nhật sẽ tăng cường khả năng phòng vệ trong 5 năm tới, ông Matsumoto từ chối cho biết liệu khoản chi quốc phòng sẽ chiếm 2 % JDP của Nhật, như báo giới Nhật đã đưa tin, hay không.
Nhật đã là một nước thành viên nhóm chiến lược “ Bộ Tứ Kim Cương” (QUAD, gồm Úc, Ấn Độ và Mỹ) vốn được xem là một sự đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Cố vấn cấp cao Christopher Johnstone ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) nói Nhật thời hậu Thế chiến 2 đang được châu Á tín nhiệm cao và Nhật đã hỗ trợ đáng kể cho khu vực này.
Ông Johnstone khẳng định với CNBC: “Cuộc hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Nhật là một ví dụ về cách hành xử của Trung Quốc đang buộc khu vực phải thay đổi theo các cách không cần thiết cho quyền lợi cho Bắc Kinh”.
Nhật đối mặt sự đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên
Trong Hiến pháp ưa chuộng hòa bình của Nhật có Điều khoản 19, qua đó Nhật cam kết “mãi mãi từ bỏ chiến tranh” sau khi bị đánh bại trong Thế chiến 2. Vì thế, SDF không được phép khởi chiến, chỉ được bảo vệ đất nước Nhật.
Nhưng chiến tranh tại Ukraine và thái độ của Trung Quốc đã gây nên sự bất an ở Nhật, theo CNBC. Theo các nhà quan sát và các thăm dò dư luận, người Nhật đã từ bỏ sự yêu chuộng hòa bình kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bên cạnh đó là mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên. Trong năm nay, Bình Nhưỡng đã cho phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo qua Nhật và Triều Tiên đang bị nghi chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ bảy.
Nhà nghiên cứu Bruce Bennett của tổ chức RAND Corporation nói: “Nhật đang phải đối mặt mối đe dọa quân sự khu vực ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên trong vài năm qua và trong các năm tới. Chính phủ Nhật sẽ bị qui là “vô trách nhiệm” nếu Nhật không tìm cách đối phó sự gia tăng đe dọa quân sự từ hai nước này”.
Viện nghiên cứu Trung tâm Wilson đã dẫn lời của bà Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc: trong năm nay Triều Tiên đã phóng thử tên lửa 31 lần và thử hạt nhân 6 lần kể từ năm 2006. Lần thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên là vào năm 2017.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp Sheila A. Smith phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã dựng dậy bóng ma Thế chiến 2 ở châu Á.
Bà Smith nói: “Hoạt động gia tăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm thử thách sức phòng thủ của Đài Loan là rất đáng ngại, nhưng cuộc chiến ở Ukraine làm người Nhật bị sốc.
Cùng lúc, năm nay Trung Quốc cùng Nga có nhiều cuộc tập trận chung trên biển. Hồi tháng 5, sáu máy bay ném bom chiến lược Trung-Nga bay tầm xa trên Biển Nhật Bản, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, trùng một cuộc gặp ở Tokyo có sự tham dự của lãnh đạo “Bộ Tứ Kim Cương”.
Nhật và Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông từ 100 năm qua, nhưng Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư và lần đầu tiên đòi chủ quyền vào những năm 1970. Căng thẳng chủ quyền đã gia tăng từ năm 2012.