Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: Không để cho những lỗ hổng gian lận len lỏi
Giáo dục - Ngày đăng : 08:41, 16/06/2022
Quy chế thi tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Quy chế tuyển sinh năm 2022 về cơ bản vẫn giữ nguyên như năm trước, chỉ có những điều chỉnh bổ sung một số bất cập, hạn chế trong năm 2021. Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.
Ngoài ra, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, quy chế tuyển sinh năm 2022 yêu cầu các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, bảo đảm sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển.
Theo Bộ GD-ĐT những điều chỉnh trên đều hướng tới việc đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh. Trong đó, việc sử dụng phần mềm xử lý nguyện vọng với hệ thống hỗ trợ chắc chắn sẽ giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.
Quy chế tuyển sinh cũng tiếp tục quy định rõ về ngưỡng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ GD-ĐT công bố hằng năm cho các phương thức tuyển sinh đào tạo hình thức chính quy sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đối với tuyển sinh đào tạo hình thức khác chính quy hoặc phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh đạt ngưỡng đầu vào khi bảo đảm điều kiện: Học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên, trừ các trường hợp quy định của quy chế.
Năm 2022, học sinh lớp 12 học trực tuyến khá lâu khiến cho lượng kiến thức học sinh không được nhiều. Chính vì thế, khi được trở lại học trực tiếp, các trường đã tăng cường giảng dạy, ôn tập giúp học sinh nâng cao kiến thức, nắm vững các kỹ năng cơ bản.
Cô Nguyễn Tú Anh (Giáo viên trường THPT Đào Duy Từ, Thanh Hóa) cho biết nhà trường đã có những buổi đánh giá năng lực học cũng như cho học sinh làm thử các đề minh họa của các năm trước để có hướng ôn tập cho các học sinh đang học lớp 12 một cách tốt nhất. Trên cơ sở đó, giáo viên chuẩn bị các chuyên đề cho các em học. Đồng thời, cho các em làm đề mẫu, tương tự để cho các em ôn tập thêm. Tuy nhiên khi Bộ GD-ĐT công bố Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2022, nhiều học sinh đã rất vui mừng vì nhiều học sinh trước đó cũng đã ra Hà Nội để thi khảo sát, nhưng vẫn muốn thi tốt nghiệp để tăng cơ hội đỗ vào các trường mình yêu thích.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Trần Thúy Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Năm nay chúng em chờ đợi có được đề minh họa, xong đến khi công bố Quy chế thi thì chúng em rất an tâm. Em đã nộp đơn thi vào trường ĐH Kinh tế quốc dân và hy vọng kỳ thi này với kiến thức thi được giao vào phần đã học, không giao đề thi vào phần kiến thức đã tinh giản khiến chúng em ôn tập cũng không quá áp lực nữa. Giờ chỉ ôn tập lại các kiến thức cũ và chuẩn bị cho kỳ thi tới gần mà thôi. Năm nay chúng em có sự thiệt thòi là học online nhiều hơn nhưng dù sao các kiến thức ôn tập cũng đỡ hơn các anh chị trước đó, đó cũng là thuận lợi cho chúng em thi năm nay rồi. Tuy nhiên chỉ lo lắng nhất là sau khi biết điểm xong lại một lần nữa hồi hộp chờ kết quả trúng tuyển hay không từ nhà trường” – em Hằng cho hay.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, Quy chế tuyển sinh năm nay có thuận lợi là giúp thí sinh đăng ký trực tuyến, giảm bớt việc dùng giấy và các thủ tục hành chính phức tạp. Tuy nhiên, khó khăn là thí sinh phải đăng ký tất cả nguyện vọng của các phương thức xét tuyển trên cổng dữ liệu chung và thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất.
Những sai phạm không được xử lý triệt để sẽ xói mòn niềm tin vào giáo dục
Với hàng loạt tiêu cực của kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra ở các năm trước, rất nhiều giáo viên và phụ huynh hoang mang lo lắng, thậm chí nhiều phụ huynh còn chia sẻ họ rất buồn khi nỗ lực học của con họ sẽ không bằng một chút gian lận ở các thí sinh khác. Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chính thức diễn ra. Bộ GD-ĐT đã đưa ra các giải pháp hoàn thiện kỳ thi từ khâu coi thi, chấm thi, ra đề thi tới vai trò giám sát của Bộ nhằm khắc phục tình trạng gian lận thi cử, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, anh Ngô Hùng Long có con đang theo học tại trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết ngay sau khi nghe tin 2 người trong Bộ GD-ĐT bị khởi tố vì liên quan đến việc lộ đề thi môn Sinh học, anh cũng đã động viên con trai mình rất nhiều khi năm nay con anh đăng ký thi vào trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y tế công cộng. "Thực ra việc gian lận như thế này đã ảnh hưởng tới tâm lý của các cháu rất nhiều và cả phụ huynh chúng tôi vì nhìn thấy con cái cứ mải mê ôn tập bài nhưng sẽ không bằng việc một học sinh gian lận lại được đỗ vào các trường tốt, tước đi cơ hội học tập của các em khác. Khiến cho việc học của các con và sự cố gắng ôn tập cho các học sinh bỗng đổ sông, đổ biển. Đặc biệt là ở trong hoàn cảnh dịch bệnh, các con học online vừa kết thúc".
Nhắc tới sai phạm xảy ra trong xây dựng đề thi môn Sinh học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, để xảy ra sai phạm này trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT. "Với những sai phạm liên tục của những cán bộ GD-ĐT những năm qua, đặc biệt là ở môn Sinh học ở kỳ thi mới đây, lời giải thích của Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được sự hài lòng cho người dân. Bộ cần phải công khai các sai phạm, kỷ luật, xử lý nghiêm minh, không bao che cho những cán bộ có hành vi gian lận trong thi cử. Lấy lại niềm tin cho học sinh, gia đình, xã hội. Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan, kỳ thi muốn tổ chức tốt cũng rất cần sự huy động giám sát từ phía xã hội".
Gian lận ở ngành nghề nào cũng hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là ngành giáo dục thì sự việc càng nghiêm trọng hơn bởi vì nó gây hệ lụy đến các thế hệ mai sau, gây mất niềm tin cũng như những vấn đề xã hội sau này. Việc xử lý nghiêm minh những sai phạm này là trách nhiệm của ngành giáo dục và ngành giáo dục cần làm triệt để thì mới lấy lại niềm tin, công bằng trong xã hội cho các thí sinh cũng như các giáo viên, phụ huynh. Và hơn hết là không để cho những sai phạm khác len lỏi, phát triển ở bất kỳ mối lợi nào mà các giáo viên hay nhân viên của ngành giáo dục thấy được. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đang tới gần, chỉ có việc học thật, thi thật thì năng lực mới thực sự được phát huy, từ đó nhân tài thật mới được phát hiện đúng. Dù có sử dụng các thiết bị hiện đại đến mấy thì yếu tố con người mới là quyết định quan trọng nhất ở tất cả các khâu.