Khi các tỉnh đua nhau muốn có sân bay thương mại

Góc bình luận - Ngày đăng : 21:04, 12/06/2022

Dù đã có dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhưng nhiều địa phương vẫn muốn được bổ sung thêm.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa lập tổ công tác, khảo sát các sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), Thọ Xuân (Thanh Hóa) và sân bay Đà Nẵng để nghiên cứu kinh nghiệm chuyển đổi sân bay quân sự Thành Sơn của tỉnh nhà thành sân bay lưỡng dụng.

tson.jpg

Phó chủ tịch tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh cho biết: “Tổ công tác đã đi khảo sát nhiều sân bay trong cả nước. Chúng tôi vẫn đang chờ chủ trương để triển khai các bước tiếp theo”. 

Có thể thấy Ninh Thuận rất sốt sắng trong việc xây dựng sân bay nên chỉ cần có chủ trương thông qua là tổ chức đi học hỏi nghiên cứu các địa phương khác. 

Trước đó, Văn phòng Chính phủ ngày 26.4 có công văn số 2635/VPCP-CN về việc thành lập Tổ công tác triển khai các sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) gửi Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng, Giao thông - Vận tải, Công an, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai.

Công văn nêu, để có cơ sở xem xét việc chuyển các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa thành các sân bay lưỡng dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm Tổ trưởng Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước tháng 9.2022.

Không chỉ có Ninh Thuận hay Đồng Nai mà ngay cả các tỉnh chưa có chủ trương cũng muốn có sân bay. 

Cuối tháng 5, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng cho dù sân bay này hiện có 1 đường băng dài hơn 800m (sân bay Thành Sơn được chấp thuận chủ trương hiện có 2 đường cất hạ cánh rộng 31 m và 23 m, dài hơn 3.000 m, có thể đón được máy bay Airbus 321, Boeing hoặc tương đương).

Theo ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương này chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ; đường thủy không khai thác được, đường sắt, đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng; đây là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, đây vẫn là điểm nghẽn đối với quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông.

nhan-co.jpg

Đây là lần thứ hai trong 18 tháng qua, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch cảng hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng.

Tỉnh Bình Phước đang cùng Đắk Nông tập trung làm cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa nhưng cũng muốn có sân bay. Hồi đầu năm ngoái, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản gửi Bộ GTVT về việc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong văn bản đó, Bình Phước trình bày tình hình và tiềm năng phát triển của tỉnh. Do đó việc quy hoạch và hướng tới xây dựng một sân bay lưỡng dụng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tỉnh Bình Phước cũng đề nghị phòng hờ là: “Trường hợp không được bổ sung Cảng Hàng không Bình Phước vào quy hoạch, UBND Bình Phước kiến nghị xem xét bổ sung sân bay Técníc Hớn Quản vào phương án”.

Cũng đầu năm ngoái, Sở GTVT Bắc Giang kiến nghị chuyển sân bay Kép thành công trình lưỡng dụng, phục vụ cả quân sự và dân sự. Theo sở này, hiện nhu cầu đi lại giải quyết công việc, du lịch của người dân trong tỉnh rất lớn. Sân bay Kép lưỡng dụng sẽ giải quyết được vấn đề tăng cường giao dịch thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng.

Trước Bình Phước, Bắc Giang, các tỉnh Ninh Bình, Hà Giang… cũng có đề xuất bổ sung sân bay vào quy hoạch.

Theo dự thảo, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.

14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Bản dự thảo có thể coi đã tính toán khá kỹ về góc độ kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng. Chẳng hạn như sân bay Nà Sản ở Sơn La tuy ít dân nhưng cần thiết. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng phân tích:  "Bay từ Hà Nội vào TP.HCM mất 2 tiếng, nhưng hiện đi đường bộ từ Hà Nội lên Sơn La mất 6 tiếng. Kinh nghiệm, thực tiễn các địa phương cho thấy nếu một tỉnh có sân bay thì sẽ phát triển rất nhanh. Như Thanh Hóa, khi phát triển sân bay Sao Vàng, Bộ GTVT dự kiến tới năm 2020 mới có 500 nghìn khách nhưng năm 2019 đã đạt 1 triệu khách và nay đã quá tải. Kinh tế - xã hội phát triển đã khiến nhu cầu đi lại tăng rất nhanh".

Tuy nhiên, các địa phương không có sân bay trong quy hoạch cũng muốn có sân bay dân sự hay lưỡng dụng thì cần xem lại sự cần thiết. Chẳng hạn như Đắk Nông với chưa đầy 700.000 dân. Hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 3 sân bay dân dụng đang hoạt động (gồm sân bay Pleiku, sân bay Buôn Ma Thuột và sân bay Liên Khương), mỗi sân bay cách nhau khoảng 200km. Nếu đề xuất của tỉnh Đắk Nông được chấp thuận thì sẽ có thêm sân bay Nhân Cơ, cách sân bay Buôn Ma Thuột đang khai thác khoảng 130 km. Thay vì nghĩ đến sân bay thì Đắk Nông nên tập trung nguồn lực cho cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa và các tuyến đường kết nối với sân bay trong khu vực.

kep.jpg

Hay với Bắc Giang nếu đi đường bộ tốc độ cao, người dân Bắc Giang chỉ cách sân bay Nội Bài (Hà Nội) hơn 60 km và cách Cát Bi (Hải Phòng) 120 km. Liệu Bắc Giang có thật sự cần thiết làm một sân bay ? 

Thay vì nghĩ về chuyện có sân bay, các tỉnh nên chú trọng đến việc phát triển những thế mạnh là hữu xạ tự nhiên hương để thu hút đầu tư, thu hút du lịch như cơ chế quy trình đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, tạo điểm đến ấn tượng với du khách trên khắp cả nước và thế giới.

Còn cứ cố đấm ăn xôi thì mấy tin đồn về sân bay sẽ chỉ làm giới cò bất động sản quan tâm nhiều chứ người dân chưa thấy thật cần thiết.

Hồ Phong