TP.HCM mà không có điểm ngập là điều rất khó
Sự kiện - Ngày đăng : 18:42, 09/06/2022
Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, để chuẩn bị phòng tránh ứng phó mùa mưa năm 2022, TP đã duy tu sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả đế tăng cường khả năng thoát nước. Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước.
Xây dựng phương án để tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa. Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước: Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa; Mễ Cốc 1, Phú Lâm, Bà Tiếng. Kiểm tra, rà soát để tận dụng các trạm bơm nước thải hỗ trợ thoát nước khi có mưa lớn: trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.
Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở xây dựng TP.HCM), việc chống ngập trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Số lượng điểm ngập đã giảm đi rất nhiều, các điểm ngập, rốn ngập trước đây đã giải quyết triệt để không tái ngập. Riêng các điểm ngập hiện tại thì chiều sâu ngập, thời gian ngập cũng giảm.
Tuy nhiên, ông Điệp cho rằng việc đầu tư chống ngập cần một nguồn lực rất lớn thì mới giải quyết được vấn đề ngập. Trong lúc mưa với cường độ lớn và tập trung trong thời gian ngắn thì thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay của TP không thu kịp nước về hệ thống và không thoát kịp. Điều đó dẫn đến ngập cục bộ. Khi tích hợp trong thời gian nhất định để tiêu thoát hết lượng nước trên thì không còn ngập nữa.
“Sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước TP. Vậy tại sao TP không thiết kế hệ thống thoát nước lớn hơn để không bị úng ngập nữa. Việc này liên quan đến kinh tế kỹ thuật. Khi chúng ta thiết kế hệ thống thoát nước với tần suất nhỏ thì có khi chu kỳ lập lại lớn, đầu tư sẽ rất lớn”, ông Điệp nói.
Theo ông Điệp thời gian qua, các dự án đầu tư tại những điểm ngập, TP đều có phương án tức thời, phương án ngắn hạn, phương án công trình, phi công trình nhằm khắc phục những điểm ngập này nhưng vẫn không thể giải quyết được.
Ở các đô thị mới khi đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước được đầu tư một cách đồng bộ, đảm bảo thì sẽ hạn chế được tình trạng ngập nước hoặc không xảy ra tình trạng ngập. Trong khi đó, TP địa hình thấp, hệ thống thoát nước cũ.
“Chúng ta có làm cho TP.HCM hết ngập được không. Làm được nhưng với điều kiện phải đầu tư, xây dựng các dự án đầu tư công trình thì mới có thể giải quyết được triệt để các điểm ngập còn lại. Tuy nhiên nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được. Với một thành phố lớn như TP.HCM mà không có điểm ngập là điều rất khó”, ông Điệp nhấn mạnh.
Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở xây dựng TP.HCM) dự báo trong mùa mưa năm 2022 này, TP sẽ có ít nhất 15 điểm ngập sâu và kéo dài trên 30 phút gồm các tuyến đường Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ) (quận Gò Vấp), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Thảo Điền (TP.Thủ Đức), Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình)…
Ngoài ra, TP sẽ còn có 24 điểm ngập tức thời trong mưa, nước rút trước 30 phút gồm : Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích ( quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình (TP.Thủ Đức), Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá (quận 12), Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Biểu (quận 5)…