Thế giới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay?
Quốc tế - Ngày đăng : 11:15, 08/06/2022
Liên Hợp Quốc cho biết cuộc chiến tranh Nga - Ukraine có thể gây ra "cơn bão đói", đặc biệt là ở các nước đang phát triển, do 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu của thế giới có nguồn gốc từ Nga và Ukraine.
Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ tại một số nước gia tăng đang bóp méo giá cả nghiêm trọng. Từ Ấn Độ đến Malaysia, Indonesia, các chính phủ gần đây đã kiểm soát việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như đường, dầu ăn và thịt gia cầm.
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đến nỗi David Beasley, Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc đã nói rằng nó đang biến thành một "cơn bão lớn".
"Theo nghĩa đen, khủng hoảng lương thực có thể biến thế giới thành địa ngục trần gian khi nhân loại sẽ phải đối mặt với những vấn đề lớn về lương thực trong tương lai", Beasley cho biết trong một podcast của Financial Times .
Tình trạng thiếu lương thực ngày càng gia tăng có thể gây ra mối đe dọa sức khỏe tương tự đối với thế giới như đại dịch COVID-19, một nhân vật y tế hàng đầu thế giới đã cảnh báo.
Peter Sands, Giám đốc điều hành của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn ngày 7.6 rằng giá lương thực và năng lượng tăng cao, một phần do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh tại Ukraine, có thể giết chết hàng triệu người, cả trực tiếp và gián tiếp.
Khủng hoảng lương thực tồi tệ như thế nào?
Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 44 triệu người ở 38 quốc gia đang ở mức đói khẩn cấp. Trọng tâm của vấn đề là cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Ngoài cung cấp gần 30% lúa mì, Ukraine và Nga cũng xuất khẩu khoảng 20% ngô và khoảng 76% dầu hướng dương của thế giới. Ngoài ra Nga và Belarus cung cấp khoảng 20% phân đạm và chiếm 40% thị trường xuất khẩu phân kali trên toàn cầu.
Song nguồn cung đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và Belarus, cũng như những hạn chế gần đây của Nga trong việc xuất khẩu phân bón.
Paul Teng, một chuyên gia về an ninh lương thực từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh phi truyền thống tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết giá phân bón tăng cao khiến nông dân ở Thái Lan trồng ít lúa hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến các vụ thu hoạch sắp tới và tình trạng của kho dự trữ quốc gia. "Thái Lan xuất khẩu 9% lượng gạo dự trữ thặng dư nhưng nếu sản lượng giảm, họ sẽ xuất khẩu ít hơn", Teng nói.
Trong bình luận của mình với Financial Times, Beasley cho biết thêm 50 triệu người có thể phải đối phó với nạn đói do chiến tranh Nga - Ukraine, trên 276 triệu người hiện đang ở trong tình trạng đó do đại dịch COVID-19.
Các cảng Ukraine tê liệt làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng
Ông Teng cho biết việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine đang khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thậm chí còn ngày càng mong manh hơn. Kể từ khi cuộc chiến tranh diễn ra từ ngày 24.2, các lực lượng Nga đã chiếm được một số cảng biển lớn nhất của Ukraine. Hải quân của nước này kiểm soát các tuyến đường vận tải chính ở Biển Đen, khiến việc vận chuyển thương mại trở nên khó khăn.
Liên minh châu Phi đã cảnh báo về một "kịch bản thảm khốc" đối với khu vực này nếu các cảng tại Ukraine vẫn tiếp tục bị phong tỏa do các quốc gia châu Phi nhập khẩu 44% lúa mì từ Ukraine và Nga.
Ngày 3.6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp Tổng thống Senegal Macky Sall, Chủ tịch Liên minh châu Phi, tại thành phố Sochi (Nga). Văn phòng của ông Sall cho biết chuyến thăm nhằm mục đích "giải phóng kho dự trữ ngũ cốc và phân bón, những thứ bị tắc nghẽn đặc biệt ảnh hưởng đến các nước châu Phi" cùng với việc xoa dịu tình hình Ukraine.
Các tổ chức đang làm gì để khắc phục?
Ngày 18.5, Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ cung cấp 30 tỉ USD để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực. Số tiền này bao gồm khoảng 12 tỉ cho các sáng kiến mới và 18 tỉ cho các dự án hiện có.
Cùng với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á , Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) và Chương trình Lương thực thế giới cũng tham gia với nhiều sáng kiến khác nhau để giúp đỡ những nước gặp rủi ro.
Kho bạc Mỹ cũng đã cam kết cũng cấp hơn 2,6 tỉ USD cho các chương trình hỗ trợ lương thực toàn cầu khẩn cấp kể từ tháng 2.
Song Teng cho biết con số 30 tỉ USD từ Ngân hàng Thế giới là quá thấp so với nhu cầu cần thiết. Ông tham khảo ước tính của FAO rằng cần 265 tỉ USD hằng năm để ngăn chặn nạn đói.
Tuy nhiên, đối với từng quốc gia và người nông dân, số tiền này vẫn hữu ích để thúc đẩy sản xuất và năng suất cây trồng nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lương thực cấp địa phương và cấp quốc gia, Yeah Kim Leng - Giáo sư kinh tế tại Đại học Sunway (Malaysia) cho biết.
Song cũng có những lo ngại rằng dòng vốn sẽ không được giải ngân đủ nhanh để các quốc gia giải quyết nhu cầu ngắn hạn của họ.
Rajendra Aryal, đại diện của FAO tại Indonesia, cho biết các chính phủ có thể sẽ cần tiền mặt khẩn cấp để mua nguyên liệu đầu vào và phân bón nhằm kích thích và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.
Cuộc khủng hoảng lương thực sẽ kéo dài bao lâu?
Trong một báo cáo được công bố, nhà phân tích tín dụng Samuel Tillaray của S&P Global Ratings cho biết giá lương thực tăng và nguồn cung giảm có khả năng kéo dài đến năm 2024.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở Trung Á, Trung Đông, châu Phi và vùng Caucasus có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất", Tillaray nói.
Ông Beasley cho biết việc mở cửa trở lại cảng Odesa của Ukraine cùng với việc tăng cường cung cấp phân bón và tránh các lệnh cấm xuất khẩu có thể giúp ngăn chặn nạn đói ngay lập tức.