Nông dân phấn khởi vụ vải thiều được mùa, được giá

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:30, 03/06/2022

Hương vị ngon, lạ, quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày... đã đưa vải thiều trở thành loại quả "đặc sản" không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Được mùa, được giá

Còn khoảng hơn 10 ngày nữa là tới vụ thu hoạch chính của vụ vải thiều năm 2022, song nhiều hộ dân ở Bắc Giang, Hải Dương cho biết đã có nhiều thương lái, doanh nghiệp đặt hàng, thu mua.

Chị Trần Thị Hoa (Thanh Hà, Hải Dương) chia sẻ: "Chất lượng vải năm nay ngon hơn mọi năm, gần như không đục cuống. Đến thời điểm này đã có nhiều thương lái đặt mua vải nhà tôi. Với hơn 3 mẫu vải thu về khoảng hơn 20 tấn, giá khoảng 40.000 đồng/kg. Năm nay được mùa được giá nên gia đình tôi quyết định đẩy mạnh tiêu thụ đi khắp nơi trên cả nước".

Theo chị Hoa, để vải thiều có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thương lái và doanh nghiệp, gia đình chị đã phải kiên trì thực hiện các biện pháp như: hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; ghi chép, truy xuất nguồn gốc...

285186197_2795456697430430_3900236600758625461_n.jpg

Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, hiện toàn tỉnh có 8.900 ha vải thiều. Năm nay, tỉnh tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 110 ha. Hiện tại, các sản phẩm vải thiều của tỉnh đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Australia, Singapore...

Trong khi đó, tại Bắc Giang, nhiều hộ dân đã tỏ ra rất phấn khởi khi vụ vải thiều năm nay được mùa, được giá cao hơn năm trước. Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hai ngày qua, vải thiều sớm của huyện Lục Ngạn mới bắt đầu thu hoạch. Mỗi ngày, huyện Lục Ngạn bán trên 75 tấn vải thiều, với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Năm 2022, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ từ 70 - 90%. Diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang duy trì 28.300 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, giảm khoảng 40.000 tấn so với năm 2021. Trong đó, vải chín sớm 6.750 ha, sản lượng ước đạt 60.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 21.250 ha, sản lượng ước đạt 120.000 tấn.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 112.900 tấn, chiếm 62,7% tổng sản lượng vải; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1 nghìn tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích 269,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Kết nối, mở rộng thị trường

Phó chủ tịch UBND tỉnh  Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt; cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng nên chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 đạt cao nhất từ trước đến nay.

Về thị trường tiêu thụ, ông Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường gồm cả trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, các địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ vải thiều.

282759264_750788606055364_691297151864139863_n.jpg

Đối với thị trường trong nước, ngay từ đầu vụ, vải thiều sớm đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị lớn như: Megamart, GO!, Coopmart, các chợ đầu mối hoa quả ở TP.Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, các thị trường ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, trong cả nước.

Đối với thị trường xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm qua. Ngoài tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Singapore..., Bắc Giang còn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Trung Đông, Thái Lan, Canada...

"Năm nay tỉnh Bắc Giang cũng hết sức quan tâm đổi mới phương thức tiêu thụ, kết hợp phương thức bán hàng truyền thống và đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, nền tảng trực tuyến...", ông Tuấn cho hay.

Nói về chiến lược tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tỉnh Bắc Giang nên lấy thị trường trong nước làm nền tảng xuất khẩu theo hướng bền vững. Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị mở rộng các kênh phân phối truyền thống và hiện dại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho nông sản trên thị trường trong nước.

Thứ trưởng cũng khẳng định: "Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang duy trì kết nối, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ vải thiều Bắc Giang ở cả thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ cập nhật thông tin về chính sách xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của những thị trường nhập khẩu".

281886968_375373104445969_4657647107428371170_n.jpg

Hiện vải thiều Bắc Giang được bán tại Siêu thị Mega Market An Phú có giá 42.900 đồng/kg bó cành, 52.000 đồng/kg cắt cuống và mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1 tấn. Dự kiến năm nay, hệ thống siêu thị MM Mega Market tại Việt Nam sẽ tăng sản lượng thu mua để bán ra so với vụ trước.

Với Hải Dương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ cũng hỗ trợ tỉnh xây dựng các phương án, kịch bản đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều và nông sản ở thị trường trong nước.

Thứ trưởng cũng đề nghị, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại, như: Giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để điều hành linh hoạt các hoạt động thu mua vải thiều, nông sản giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.

Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo tín hiệu của thị trường. Bên cạnh đó, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng, nhất là với trái vải, để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản.

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung