Apple, Xiaomi, Oppo, Vivo thiệt hại nặng vì nhu cầu mua smartphone ở Trung Quốc suy yếu
Thế giới số - Ngày đăng : 00:53, 30/05/2022
Nhu cầu smartphone ở Trung Quốc đang hạ nhiệt nhanh chóng khi sự trỗi dậy của đại dịch làm người tiêu dùng giảm chi tiêu, dẫn đến những cảnh báo những tuần gần đây từ các nhà sản xuất thiết bị cầm tay bao gồm cả Apple cũng như các nhà sản xuất chip ở thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Dữ liệu từ Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho thấy các lô hàng smartphone ở nước này đã giảm 34% so với một năm trước, xuống còn 17,7 triệu chiếc trong tháng 4.2022. Trong 4 tháng đầu năm nay, các lô hàng smartphone đã giảm 30% xuống còn khoảng 86 triệu chiếc, theo học viện trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc.
Cuối tháng 4.2022, Apple đã cảnh báo rằng sự bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc có nguy cơ làm doanh số bán hàng của họ thiệt hại tới 8 tỉ USD trong quý này. Trong tháng 5.2022, Xiaomi cho biết doanh thu từ smartphone tháng 1 đến tháng 3 của họ đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Theo Xiaomi, một phần nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt hậu cần, cửa hàng đóng cửa cùng tình trạng thiếu linh kiện của Trung Quốc xuất phát từ chính sách Zero COVID cứng rắn.
Trong tháng này, SMIC (nhà sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc và cũng làm chip smartphone) cho rằng các hãng smartphone toàn cầu sẽ sản xuất ít hơn 200 triệu đơn vị smartphone vào năm 2022 so với dự báo của ngành.
Zhao Haijun, đồng Giám đốc điều hành SMIC, nói hầu hết các khoản cắt giảm đó đến từ các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc.
"Không có dấu hiệu kết thúc cho xu hướng giảm", ông Zhao Haijun nói trong một cuộc gọi báo cáo thu nhập.
Nhu cầu smartphone sụt giảm mạnh là một trong những yếu tố thúc đẩy sự giảm tốc ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây đau đớn cho các nhà sản xuất điện tử toàn cầu. Theo TrendForce (công ty nghiên cứu có trụ sở tại Đài Loan), Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 lượng smartphone xuất xưởng trên thế giới.
Trên khắp Trung Quốc, tác động của các hạn chế COVID-19, bao gồm cả việc đóng cửa tại các trung tâm công nghiệp như thành phố Thượng Hải, đã lan rộng sang nền kinh tế, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần cũng như giảm tiêu dùng. Doanh số bán lẻ tháng 4.2022 của Trung Quốc đã giảm 11% so với một năm trước đó, mức giảm hàng tháng thứ hai liên tiếp và là đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.2020.
Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường đã nói với một số đại diện cấp cao của các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại nước này rằng Trung Quốc “cam kết đạt được sự cân bằng” giữa phục hồi nền kinh tế và ngăn chặn sự bùng phát COVID-19 lặp lại.
Người tiêu dùng cho biết đang thắt chặt hầu bao, đặc biệt là với những mặt hàng đắt tiền. Zhang Rui, nhân viên công nghệ 43 tuổi ở thủ đô Bắc Kinh, cho biết cô đã bỏ kế hoạch mua một chiếc smartphone mới trong năm nay. Đang sử dụng iPhone 12 Pro Max và thường cập nhật thiết bị của mình mỗi năm, Zhang Rui nói cô không bị các mẫu smartphone mới thu hút đủ để phải trả giá cao.
“Dòng tiền cho người dân eo hẹp do đại dịch. Không có mẫu smartphone nào đáng giá để tôi bỏ tiền ra mua?”, Zhang Rui thổ lộ.
Các nhà phân tích và lãnh đạo ngành công nghiệp cho biết các thiết bị cấp thấp hơn có khả năng bị ảnh hưởng sớm nhất và gặp khó khăn nhất vì người tiêu dùng có mức thu nhập thấp hơn, có xu hướng mua thiết bị cầm tay rẻ hơn, sẽ hạn chế mua hàng khi đối mặt với những bất ổn kinh tế.
Ming-Chi Kuo, nhà phân tích chuỗi cung ứng của TF International Securities có trụ sở tại Hồng Kông, nói xu hướng đó có thể gây tổn hại nhiều nhất đến một số công ty bao gồm Xiaomi, Oppo và Vivo. Trong khi đó, dù dòng sản phẩm của Apple có xu hướng cao cấp hơn, nhưng doanh số bán iPhone SE giá rẻ hơn có thể bị ảnh hưởng, ông nói.
Ming-Chi Kuo ước tính các hãng Trung Quốc lớn bao gồm Xiaomi, Oppo và Vivo đã cắt giảm khoảng 270 triệu đơn vị xuất xưởng smartphone trong năm nay so với dự báo công nghiệp trước đó.
Apple, Xiaomi, Oppo và Vivo không trả lời câu hỏi về vấn đề trên.
Với các nhà sản xuất smartphone và nhà cung cấp của nó, nhu cầu tiêu dùng giảm ở Trung Quốc đã thêm vào một danh sách các vấn đề mà họ đang phải vật lộn, bao gồm tình trạng thiếu chip và ảnh hưởng từ cuộc chiến của Nga - Ukraine.
Theo TrendForce, từ tháng 1 đến tháng 3, thị trường smartphone toàn cầu đã giảm 7% so với một năm trước đó. TrendForce dự kiến 1,33 tỉ smartphone sẽ được sản xuất trên toàn cầu vào năm 2022, sau khi cắt giảm dự báo hai lần trong năm nay với tổng số 50 triệu đơn vị.
Một số nhà cung cấp lớn nhất cho Apple và các nhà sản xuất smartphone khác cũng đưa ra những dấu hiệu cảnh báo.
Foxconn, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, dự báo doanh thu giảm trong quý này so với một năm trước đó từ các thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm cả smartphone. Phân khúc đó chiếm hơn một nửa doanh thu của Foxconn.
Vào tháng 4.2022, TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan) nói rằng tăng trưởng đang suy yếu với các chip được sử dụng trong điện tử tiêu dùng, bao gồm cả smartphone.
Dù nhu cầu thiết bị cầm tay ở Trung Quốc giảm, tình trạng thiếu chip toàn cầu khó có thể giảm bớt nhiều trong ngắn hạn, các nhà phân tích cho biết. Lĩnh vực ô tô vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip, trong khi các nhà sản xuất chất bán dẫn khó có thể nhanh chóng chuyển sản xuất từ loại chip này sang loại chip khác.
Zhao Haijun của SMIC nói nguồn cung cấp chip smartphone được sử dụng để cấp nguồn cho thiết bị, sạc và truy cập mạng Wi-Fi có thể tiếp tục gặp phải những hạn chế.