Bộ Y tế chỉ đạo giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại cửa khẩu

Thông tin Y học - Ngày đăng : 14:18, 25/05/2022

Bệnh đậu mùa khỉ bất ngờ tăng nhanh trên thế giới, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phòng chống căn bệnh này, đặc biệt chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu.

Ngày 25.5, Bộ Y tế cho hay đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, các địa phương chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, Trung Phi, CHDC Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Congo, Sierra Leone và Nam Sudan.

bo-y-te-chi-dao-giam-sat-benh-dau-mua-khi-tai-cac-cua-khau-hinh-anh(1).png
Bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: Internet

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh; chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Theo Bộ Y tế, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại Anh ngày 13.5.2022, tính đến 21.5.2022 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng vi rút lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Được biết bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn ga gối đệm... Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Hồ Quang