Tìm nguyên nhân COVID-19 gây tổn thương hệ thần kinh nhiều người hơn 15 tháng

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:00, 25/05/2022

Nghiên cứu vừa được công bố cho thấy các tác động gây tổn thương hệ thần kinh của COVID-19 có thể tồn tại hơn 15 tháng, ngay cả khi các triệu chứng khác giảm bớt.

Được công bố trên Tạp chí Annals of Clinical and Translational Neurology, đây là nghiên cứu theo dõi lâu nhất về các triệu chứng thần kinh ở những người bị di chứng hậu COVID-19 (COVID-19 kéo dài) chưa từng nhập viện vì căn bệnh này.

Sương mù não, tê, ngứa ran, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, ù tai và mệt mỏi là các triệu chứng thần kinh thường xuyên được báo cáo nhất với COVID-19 kéo dài.

Nghiên cứu mới từ các nhà khoa học tại Đại học Northwestern (Mỹ) là sự tiếp nối một nghiên cứu ngắn hạn được công bố vào mùa xuân năm ngoái, tập trung vào 100 bệnh nhân bị tình trạng COVID-19 kéo dài. Nghiên cứu đó cho thấy 85% bệnh nhân báo cáo ít nhất 4 vấn đề thần kinh kéo dài ít nhất 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Để tiếp tục theo dõi, nhóm tiếp tục khảo sát 52 người trong những người tham gia ban đầu, tối đa 18 tháng. Nhóm thuần tập 3/4 là nữ và độ tuổi trung bình là 43. Gần 80% đã được tiêm vắc xin và tất cả đều bị các triệu chứng COVID-19 nhẹ, không cần nhập viện.

Nghiên cứu cho thấy hầu hết triệu chứng thần kinh vẫn tồn tại sau trung bình 15 tháng. Dù hầu hết bệnh nhân đã báo cáo sự cải thiện về chức năng nhận thức và tình trạng mệt mỏi, các triệu chứng chưa biến mất hoàn toàn mà vẫn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Nhiều bệnh nhân vẫn gặp khó khăn với nhận thức khiến họ không thể hoạt động như trước đây”, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Igor Koralnik, trưởng bộ phận bệnh truyền nhiễm thần kinh và thần kinh toàn cầu tại Northwestern Medicine (hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận liên kết với Đại học Northwestern).

Nghiên cứu cũng cho thấy một số triệu chứng, bao gồm cả sự thay đổi nhịp tim và huyết áp, cũng như các vấn đề về đường tiêu hóa, tăng lên theo thời gian; trong khi tình trạng mất vị giác và khứu giác có xu hướng cải thiện. Tiêm vắc xin không làm giảm bớt các triệu chứng, nhưng cũng không khiến tình trạng COVID-19 kéo dài trở nên tồi tệ hơn.

Nghiên cứu của Đại học Northwestern không xem xét lý do tại sao một số triệu chứng vẫn tồn tại và những triệu chứng khác biến mất hoặc tại sao chúng xảy ra ngay từ đầu.

tim-nguyen-nhan-covid-19-tan-pha-than-kinh-nhieu-nguoi-den-15-thang.jpg
Nhiều người bị tổn thương hệ thần kinh kéo dài sau khi mắc COVID-19 - Ảnh: Internet

Bước tiếp theo cho việc này là tìm hiểu nguyên nhân tại sao một số người bị COVID-19 kéo dài và những người khác thì không”, Igor Koralnik nói.

Theo Tiến sĩ Avindra Nath, Giám đốc Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), người không tham gia vào nghiên cứu mới, một giả thuyết cho các triệu chứng COVID-19 kéo dài là kết quả tổn thương từ phản ứng viêm của cơ thể với vi rút SARS-CoV-2

Bất kỳ trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nào cũng kích hoạt các tế bào viêm nhiễm khắp cơ thể, kể cả trong não. Tình trạng viêm có nghĩa là tấn công vi rút xâm nhập nhưng cũng làm tổn thương các tế bào não và tế bào thần kinh trong quá trình này. Ông nói SARS-CoV-2 gây ra phản ứng viêm đặc biệt mạnh.

COVID-19 có lẽ là căn bệnh hô hấp nghiêm trọng nhất mà chúng ta từng mắc phải, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi nhận thấy những ảnh hưởng lâu dài từ nó”, Avindra Nath nói.

Theo Tiến sĩ Panagis Galiatsatos, bác sĩ chăm sóc sức khỏe và phổi tại Johns Hopkins Medicine ở thành phố Baltimore (bang Maryland, Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, việc tiếp tục theo dõi các triệu chứng kéo dài là rất quan trọng để giúp các chuyên gia tách các triệu chứng hậu COVID-19 khỏi triệu chứng của quá trình chữa bệnh tự nhiên. Ông nói điều đó sẽ cung cấp thông tin cho các nghiên cứu sâu hơn, để khám phá ra cách điều trị và đưa ra chẩn đoán sớm.

Panagis Galiatsatos cho rằng bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và các triệu chứng khác trong quá trình hồi phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là điều bình thường, bởi cơ thể đang chống chọi vi rút. “Nhưng việc chữa bệnh không nên kéo dài 6 tháng hoặc hơn”, ông nói.

Panagis Galiatsatos chia sẻ: “Ngay bây giờ chúng ta cần thời gian để phân biệt giữa hai nhóm. Bệnh nhân phải chờ đợi và điều đó thực sự khó chịu. Nhưng nếu có các dấu ấn sinh học để kiểm tra, chúng tôi có thể xác định COVID-19 kéo dài và can thiệp sớm”.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các dấu ấn sinh học đã không mang lại kết quả nào cho đến nay.

Trong một nghiên cứu riêng biệt, được công bố trên Tạp chí Annals of Internal Medicine, các nhà khoa học từ Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (cơ quan khác thuộc NIH) đã tiến hành kiểm tra y tế toàn diện trên 189 bệnh nhân COVID-19 kéo dài, gồm hơn 130 xét nghiệm chẩn đoán nhận thức, máu và hình ảnh. Họ cũng tìm kiếm các dấu hiệu sinh học báo hiệu tổn thương tim, não, thận và gan.

So sánh kết quả với các đợt kiểm tra tương tự ở 120 người không bị tình trạng COVID-19 kéo dài nhưng không có sự khác biệt nào được xác định.

Dù đã điều tra kỹ lưỡng, chúng tôi không thể chứng minh bất kỳ bằng chứng nào về tổn thương nội tạng hoặc những khác biệt về thể chất khác”, theo tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Michael Sneller, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại NIH.

Michael Sneller nói rằng điều đó không nên được hiểu là người mắc triệu chứng COVID-19 kéo dài không thực sự bị bệnh. "Một cái gì đó đang xảy ra. Y học hiện đại đơn giản đến nay là không thể tìm ra những gì đang xảy ra. Đừng nhầm lẫn, những người này đang thực sự đau khổ. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc", ông nói.

Sơn Vân