Giá xăng tăng mạnh, ĐBQH, chuyên gia đề nghị dùng công cụ thuế
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:55, 24/05/2022
Ngày 23.5, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ cuối tháng 4.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1.4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản cộng thêm tác động từ xung đột Nga – Ukraine leo thang, khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục.
Các tổ chức quốc tế đều dự báo kịch bản giá dầu bình quân năm 2022 tăng khoảng 20-30 USD (tức là tăng khoảng 30-40%, từ mức bình quân 69 USD/thùng năm 2021 lên mức bình quân khoảng 90-100 USD/thùng năm 2022). Ngân hàng Golman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên mức 125 USD/thùng vào quý 3/2022.
Theo ông Vũ Hồng Thanh cho biết, mặt hàng xăng dầu quý 1 năm 2022 có nhiều biến động. Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết và ký hợp đồng với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, cơ cấu giá xăng dầu còn chưa hợp lý (các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức…) cần sớm điều chỉnh hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên liên quan.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường, giá xăng dầu tăng mạnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23.3.2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Cụ thể, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1.4.2022 đến hết ngày 31.12.2022; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ ngày 1.4.2022 đến hết ngày 31.12.2022.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế cho biết có ý kiến cho rằng bên cạnh việc cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn, tăng cao hơn, cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị báo cáo rõ hơn về tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian vừa qua; cho rằng công tác điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát.
Ông Ngân nhắc lại "bài học chúng ta nhìn thấy trong giai đoạn năm 2008, lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng. Cùng với đó, giá lương thực thực phẩm tăng làm lạm phát tăng rất nhanh. Có thời điểm lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%. Lúc đó tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa và đời sống của người dân vô cùng khó khăn".
Đại biểu Ngân phân tích, lạm phát của chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Hiện nay tại Mỹ, lạm phát đã lên tới 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), lạm phát tại châu Âu cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, chúng ta phải sử dụng các công cụ nếu không giá xăng dầu điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát.
"Để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", ông Ngân cho hay đồng thời cho rằng cần kiểm soát, tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng để "té nước theo mưa", tăng giá các mặt hàng bất hợp lý để trục lợi.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) cho rằng chúng ta đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn để kiểm soát giá xăng. Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể. Bởi việc giảm không bù đắp lại tỷ lệ phần trăm tăng giá.
Theo đại biểu Vân, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng điều này có thể dẫn tới những lo ngại về lạm phát. Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là khó theo mục tiêu đặt ra. "Do vậy chúng ta phải tính tới các kịch bản điều chỉnh các chỉ tiêu trong đó có chỉ tiêu lạm phát", ông Vân nhận định.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới trước đó, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng xăng, dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Thời gian qua, Quỹ bình ổn xăng, dầu đã phát huy rất tốt vai trò, góp phần giữ giá xăng, dầu trong nước ở mức hợp lý cho doanh nghiệp và an sinh của người dân tốt hơn.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình việc giảm thêm thuế nhập khẩu hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đến 31.12.2022.
Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế hơn so với mức giảm cố định. Hơn nữa, nếu nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.
Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng nền sản xuất cần hướng tới tiết kiệm năng lượng, kinh tế xanh, đa dạng hóa nguồn cung phát triển năng lượng khác thay thế xăng, dầu; sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác, qua đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.