Những trăn trở về khoa học - công nghệ của đất nước

Góc bình luận - Ngày đăng : 22:06, 18/05/2022

Hôm nay 18.5 là “Ngày khoa học công nghệ Việt Nam”. Xin chúc các nhà khoa học - công nghệ lời tốt đẹp nhất. Nhân ngày này tôi xin có vài suy nghĩ gửi tới mọi người để cùng tham gia trao đổi.

Người Việt ta từ cổ chí kim đều rất thông minh, chịu khó, cần cù và sáng tạo. Bạn bè quốc tế đánh giá và xếp dân tộc Việt Nam, người Việt là dân tộc thông minh với chỉ số IQ rất cao, vào hàng các quốc gia thông minh nhất thế giới. Cha ông ta đã chứng minh điều đó trong lịch sử dựng nước, giữ nước và kiến thiết đất nước hàng ngàn năm qua.

Đất nước đang sở hữu một nguồn tài nguyên, nguồn lực vô giá là con người, trí tuệ con người. Hàng trăm ngàn nhà khoa học - công nghệ được đào tạo ở rất nhiều trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước. Hàng chục ngàn nhà khoa học - công nghệ Việt đang làm việc cho các viện, trường, cơ sở khoa học và sản xuất, kinh doanh trên khắp thế giới, nhất là ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore... Rất nhiều phát minh nổi tiếng thế giới do người Việt sáng tạo ra. Trong bao cuộc tranh tài về khoa học - công nghệ quốc tế, người Việt, đoàn Việt Nam đều đoạt giải thưởng cao, giành nhiều huy chương vàng - bạc - đồng. Hàng trăm ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt đang học tập, nghiên cứu ở khắp các châu lục, mà theo một thống kê, số lượng học sinh Việt Nam học ở nước ngoài đứng thứ 10 trên thế giới.

Tuy nhiên, tỷ lệ người học xong trở về phục vụ đất nước quá ít, trong đó có không ít người du học theo các chương trình nhà nước, bằng ngân sách nhà nước. Hầu hết những học sinh đoạt vòng nguyệt quế trong các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia du học đều không trở về. Cũng không ít nhà khoa học - công nghệ đã về phục vụ đất nước một một thời gian nhưng không phát huy được tài năng, sở trường lại ngậm ngùi ra đi...

Có thể nói khoa học - công nghệ nước ta tới nay vẫn chưa thực sự phát triển, chưa xứng tầm thời đại, chưa phát huy được tiềm năng, chưa đóng góp nhiều cho đất nước và sự phát triển. Rất buồn!

Muốn đất nước phát triển, tự chủ, an toàn, bền vững, độc lập… phải có công nghệ Việt. Chúng ta đang lãng phí rất lớn chất xám. Chúng ta chưa sử dụng khai thác tốt trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ khoa học - công nghệ là người Việt trong nước cũng như ở nước ngoài. Các nhà khoa học, quản lý của chúng ta ở nước ngoài chỉ có một số ít về hẳn, hoặc về dưới hình thức “tham gia đóng góp xây dựng đất nước”. Khá nhiều nhà khoa học sau năm 1975 đã bỏ nước ra đi không trở lại.

Chúng ta nhận thấy không ít các sáng tạo, phát minh, sáng chế không phải được sinh ra từ những đề tài do các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, mà xuất phát từ nông dân, công nhân, thợ cơ khí, những người lao động chân tay. Họ thật dũng cảm và tuyệt vời, rất đáng ca ngợi. Nhưng tôi cũng thấy buồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tài tình trong sử dụng nhân tài, kêu gọi trí thức Việt kiều từ các nước trở về để góp phần phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc. Biết bao nhà khoa học nổi tiếng đã theo Bác về nước làm việc trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn gian khổ hy sinh ngay sau ngày đất nước độc lập 2.9.1945 hoặc sau ngày hòa bình lập lại 1954 ở miền Bắc.

Nhiều câu hỏi khiến chúng ta trăn trở, rằng ta đã khai thác, sử dụng nguồn lực, tiềm năng, nguồn tài nguyên khoa học - công nghệ tốt chưa, khai thác sử dụng như thế nào, có hiệu quả không, vì sao không, có cách nào tốt hơn không?...

Theo thiển ý cá nhân tôi, nguyên nhân chính là chúng ta chưa có chính sách nhất quán, sự kiên định lâu dài về đánh giá và sử dụng nhân tài. Thật lãng phí, tổn thất. Hãy xem chính sách của các quốc gia như Israel, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Singapore… (khi có dịp tôi sẽ nói rõ hơn). Về phát triển khoa học - công nghệ, tôi có mấy ý kiến đề xuất như sau:

- Trước hết nhà nước nên có hẳn chương trình quốc gia thực hiện khẩn trương, cơ bản, nhất quán điều tra, thống kê, đánh giá, phân tích nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trong nước và người Việt ở nước ngoài để có chiến lược mời gọi họ tham gia cho đất nước.

- Chúng ta đã thành công chương trình kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam - FDI; chương trình phát triển kinh tế tư nhân trong hơn 30 năm qua. Vậy có nên nghiên cứu để đưa các kinh nghiệm này vào lĩnh vực khoa học - công nghệ? Nên làm. Tôi nghĩ đã đến lúc, tuy muộn nhưng còn hơn không. Cần có chương trình kêu gọi “Vì sự phát triển khoa học - công nghệ” để tất cả mọi người, nhất là giới khoa học - công nghệ, tham gia.

- Cần cải tổ triệt để, toàn diện lĩnh vực khoa học - công nghệ. Nên tập trung và bắt buộc các trường đại học ngoài là cơ sở giáo dục đào tạo phải là trung tâm nghiên cứu. Đại học phải đi lên, phát triển từ nghiên cứu và đào tạo. Tổ chức lại hai viện hàn lâm theo mô hình các quốc gia thành công như Israel, Trung Quốc: từ cơ chế chính sách, tổ chức nghiên cứu, tới con người, tới việc trả công xứng đáng giá trị các phát minh, sản phẩm khoa học.

- Xem xét lại các viện nghiên cứu của các bộ để gắn với các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân. Mô hình các viện công nghệ của doanh nghiệp, nằm trong doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp như của Viettel, Vingroup, Rạng Đông, Fecon, IQC, PVN... cần được nhân rộng.

- Khuyến khích các nhà khoa học - công nghệ trở thành người của các công ty trong nghiên cứu phát minh, nghiên cứu phát triển. Coi trọng những nghiên cứu của học sinh, sinh viên gắn với khởi nghiệp (startup) cũng là giải pháp khôn ngoan, nhất cử lưỡng tiện.

- Có cơ chế chính sách tổ chức thị trường công nghệ, thị trường mua bán các doanh nghiệp khởi nghiệp, mua bán công nghệ và mua bán ý tưởng. Có sàn giao dịch quốc gia, quốc tế về khoa học - công nghệ.

- Khuyến khích tổ chức các quỹ mạo hiểm cho đầu tư nghiên cứu khoa học, ươm tạo khoa học - công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp... và mua bán các công nghệ, ý tưởng, các startup công ty vừa khởi nghiệp thành công.

- Điều tra đánh giá, sử dụng, khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học quần chúng, nhà khoa học chân đất, các ông Hai Lúa làm công nghệ. Tạo sân chơi, cơ chế cho họ phát huy đóng góp.

- Hãy tạo ra phong trào “Công nghệ Việt”, công nghệ nguồn, công nghệ lõi của người Việt, nhất là người Việt khởi nghiệp.

- Hợp tác quốc tế sâu rộng, có chọn lọc quốc gia, lĩnh vực khoa học - công nghệ ưu tiên và phân khúc thời kỳ.

- Thực hiện sâu sắc sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, quý trọng chất xám và sự đóng góp trí tuệ từ lòng tự trọng, đam mê, tâm huyết và yêu nước của các nhà khoa học công nghệ Việt trên khắp thế giới.

Mấy dòng chân thành, cảm ơn sự quan tâm và lắng nghe. Bản thân tôi cũng như rất nhiều người chỉ mong nền khoa học - công nghệ Việt Nam có chỗ đứng và sự đóng góp xứng đáng trong sự phát triển của đất nước, nhất là khi nó đã được coi là quốc sách hàng đầu.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk

Nguyễn Văn Lạng