Nghịch lý ngành tài chính Việt Nam: Vừa “tương đối phát triển, vừa kém phát triển”

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:32, 18/05/2022

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá ngành tài chính của Việt Nam vừa “tương đối phát triển, vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Sáng 18.5. Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia Việt Nam 2021 với tiêu đề “Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả”.

Trong báo cáo, một trong những ưu tiên phát triển mà WB khuyến nghị là cần cân bằng sự ổn định của ngành ngân hàng với việc mở rộng tài chính toàn diện và phát triển thị trường vốn về chiều sâu.

Vừa “tương đối phát triển, vừa kém phát triển”

Báo cáo đánh giá ngành tài chính của Việt Nam vừa “tương đối phát triển, vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Cụ thể, ngành tài chính phát triển về khả năng cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân, với 130% GDP, đạt mức cao nhất trong số các nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, ngành này còn kém phát triển ở cấp độ hộ gia đình và doanh nghiệp. Khoảng 2/3 dân số trưởng thành vẫn không sử dụng ngân hàng (không có tài khoản tại một tổ chức tài chính nào đó) trong năm 2017, con số này thấp so với các nhóm đồng hạng; tỷ lệ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn tiếp cận tín dụng tuy không cao hơn quá nhiều nhưng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.

tai-chinh.jpeg
WB đánh giá ngành tài chính của Việt Nam vừa “tương đối phát triển vừa kém phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế”

Khoảng một phần ba số công ty báo cáo những trở ngại vừa phải, lớn hoặc rất nghiêm trọng trong việc tiếp cận tài chính, tệ hơn một phần tư số quốc gia trên thế giới có dữ liệu.

“Hai đặc điểm này của ngành tài chính Việt Nam nhấn mạnh vai trò không rõ ràng của nó đối với phát triển kinh tế của đất nước - tích cực ở cấp độ tổng thể đối với tín dụng tổng thể, nhưng tiêu cực đối với tài chính toàn diện. Điều này ngụ ý rằng nhiều cá nhân và doanh nghiệp bị loại khỏi hệ thống tài chính và không thể tận dụng đòn bẩy tài chính vào các hoạt động kinh tế của họ”, WB nhìn nhận.

WB cho rằng thiếu tài chính toàn diện không chỉ làm giảm hiệu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ mà còn làm giảm hiệu quả của các phản ứng chính sách khác.

Ví dụ, tài chính toàn diện thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện gói hỗ trợ tài chính được thông qua vào tháng 4.2020, một phần là do gặp khó khăn khi chuyển tiền cho những cá nhân dễ bị tổn thương nhưng không có tài khoản ngân hàng. Các hộ gia đình không sử dụng và ít sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng không thể tham gia đầy đủ vào sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.

Thị trường vốn mở rộng bất chấp COVID-19

WB cũng đánh giá thị trường vốn tiếp tục được mở rộng bất chấp tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với nền kinh tế thực.

Cụ thể, chỉ số thị trường chứng khoán TP.HCM đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ tháng 4.2020 đến tháng 5.2021, trong khi quy mô thị trường trái phiếu tiếp tục tăng do các đợt phát hành gần đây của cả chính phủ trung ương và doanh nghiệp tư nhân. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 29% vào năm 2020 so với năm 2019.

Sự khác biệt như vậy giữa thị trường vốn và nền kinh tế thực ở một mức độ nào đó phản ánh mức độ thanh khoản dồi dào trên thị trường trong nước. Thực tế, nhiều nhà đầu tư chiến lược đã trở nên thận trọng hơn và trì hoãn đầu tư vào nền kinh tế thực do có nhiều rủi ro phát sinh từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Sự phát triển gần đây của thị trường vốn cũng đã được hỗ trợ bởi những cải cách như Luật Chứng khoán mới (2019), các quy tắc sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, WB cho rằng bất chấp những cải thiện này, thị trường vốn trong nước vẫn còn bị kìm hãm bởi các thông lệ công bố thông tin chưa đạt tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng thị trường kém hiệu quả…

tai-chinh-2.jpeg
Thị trường vốn tiếp tục được mở rộng bất chấp tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng COVID-19

Báo cáo này đánh giá đại dịch đã làm gia tăng thêm sự cần thiết phải giải quyết rủi ro và bất ổn tài chính, điều tiết tốt hơn thị trường vốn trong nước và thúc đẩy hơn nữa tài chính toàn diện.

Cải thiện tính minh bạch 

Để giải quyết những thách thức này, WB cho rằng cần cải thiện giám sát ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giám sát chặt chẽ chất lượng tài sản của toàn bộ khu vực ngân hàng thông qua giám sát dựa trên rủi ro, bao gồm cả việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đi kèm với lộ trình kết thúc các biện pháp giảm/giãn nợ.

Cần tăng cường nhiệm vụ của NHNN trong việc ban hành các quy định và thực hiện giám sát an toàn, bao gồm giải quyết các vấn đề nợ xấu tiềm ẩn và phát triển một thị trường mua bán nợ thương mại hiệu quả (bao gồm cả mua bán nợ xấu), bằng cách sửa đổi Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, khuôn khổ luật pháp cho giải quyết phá sản cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu các công ty có thể sống sót và giải thể/thanh lý các công ty không thể trụ lại được, tránh chuyển toàn bộ chi phí sang hệ thống tài chính.

Song song với đó, tiếp tục đa dạng hóa thị trường vốn đồng thời cải thiện tính minh bạch và cơ sở hạ tầng thị trường. Tuy nhiên, mở rộng thị trường cần được thực hiện bằng cách thực thi các tiêu chuẩn cao về công bố thông tin, đặc biệt là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vì thông tin đáng tin cậy và dễ tiếp cận là cần thiết để thúc đẩy và duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đại chúng cần được thúc đẩy hơn nữa bằng cách hợp lý hóa các quy trình phát hành và niêm yết, để có nhiều trái phiếu hơn ra công chúng với các thông tin công bố đạt chuẩn.

tai-chinh-3.jpg
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đại chúng cần được thúc đẩy hơn nữa

Đồng thời việc ban hành các sản phẩm/công cụ thị trường vốn mới (ví dụ chứng khoán hóa hoặc trái phiếu dự án) cũng như việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong các chỉ số cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam, hỗ trợ thị trường tăng trưởng bền vững và tăng sự tham gia đa dạng của nhà đầu tư.

WB cũng khuyến nghị cần tăng cường tài chính toàn diện thông qua số hóa các dịch vụ tài chính và khuyến khích sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (fintech).

Trong khi ngân hàng số đã phát triển tương đối nhanh ở Việt Nam trong vài năm qua, thông qua nỗ lực của các ngân hàng và xuất hiện của các nhà khai thác mới (ví điện tử), Việt Nam vẫn chưa có hệ thống thanh toán di động.

Lam Thanh