TP.HCM lý giải việc tăng mạnh học phí ở các cấp từ năm học tới
Giáo dục - Ngày đăng : 14:22, 16/05/2022
Ngoài bậc tiểu học không thu học phí theo quy định, các bậc học còn lại từ mầm non đến THPT tại TP đều dự kiến áp dụng mức thu mới, tăng cao so với mức thu hiện nay, từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng, tùy cấp học và nhóm địa bàn.
Cụ thể:
Mầm non: Lớp nhà trẻ tại các quận thì học phí sẽ tăng từ 200.000 đồng/tháng/học sinh như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 100.000 đồng/tháng/học sinh.
Lớp nhà trẻ ở các huyện sẽ vẫn giữ nguyên học phí là 120.000 đồng/tháng/học sinh.
Lớp mẫu giáo ở các quận sẽ tăng học phí từ 160.000 đồng/tháng/học sinh như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 140.000 đồng/tháng/học sinh.
Lớp mẫu giáo ở các huyện sẽ không tăng học phí, vẫn giữ nguyên là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Trung học cơ sở: Học sinh học ở bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở tại các quận sẽ tăng học phí từ 60.000 đồng/tháng/học sinh như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng/học sinh, tăng gấp 5 lần so với mức hiện đang áp dụng.
Học sinh học ở bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở tại các huyện sẽ tăng học phí từ 30.000 đồng/tháng/học sinh lên 100.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 70.000 đồng/tháng/học sinh.
Trung học phổ thông: Học sinh học bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông tại các quận sẽ tăng học phí từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 180.000 đồng/học sinh/tháng so với mức hiện đang áp dụng.
Học sinh học bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông tại các huyện sẽ tăng học phí từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng, tăng thêm 100.000 đồng/học sinh/tháng so với mức hiện đang áp dụng.
Như vậy, khối trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông ở các quận có mức tăng học phí cao nhất, có thể lên đến năm lần mức hiện hành.
Mức học phí mới được Sở GD&ĐT TP.HCM dự thảo xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Theo lý giải trong dự thảo, so với Nghị định 81/2021, học phí dự kiến của TP.HCM chỉ ở mức sàn, tức là mức thu thấp nhất. Việc có sự chênh lệch là vì trong sáu năm qua, TP luôn thu học phí ở mức thấp và không tăng.
So sánh mức chênh lệch của khung mức thu 2022-2023 đề xuất so với mức thu trước đây, Sở GD&ĐT nhận định khung thu học phí đang đề xuất thực hiện là đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng đóng góp của người học, góp phần tăng nguồn thu cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, mức thu mới cũng góp phần với ngân sách nhà nước nâng cao mức đầu tư trên mỗi học sinh, tác động đến điều tiết ngân sách đầu tư nhiều hơn ở nơi còn nhiều khó khăn. Đồng thời giải quyết sự bất hợp lý kéo dài về cơ cấu học phí và giá trị đầu tư xã hội đã nhiều lần thay đổi trong nhiều năm qua.
“Để giảm tác động đến xã hội và người học do tăng học phí, không làm ảnh hưởng đến đời sống của các bộ phận người dân có thu nhập thấp, TP.HCM luôn đảm bảo và đi đầu trong các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ học phí theo đúng quy định của Nghị định 81/2021 và xây dựng các chính sách miễn, giảm và hỗ trợ đặc thù khác của TP” - dự thảo nêu rõ.
Bên cạnh đó, mặc dù bậc tiểu học không thu học phí nhưng Sở GD&ĐT cũng đề xuất đưa ra mức thu cụ thể cho bậc học này ở hai nhóm, nhóm các quận là 300.000 đồng/tháng và nhóm các huyện là 100.000 đồng/tháng. Theo sở, đây sẽ là mức làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn chưa đủ trường tiểu học công lập và các học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Cũng theo dự thảo, từ năm học 2023-2024, căn cứ chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP mức thu học phí cụ thể. Mức thu năm sau tăng không quá 7,5% và không vượt mức trần theo quy định.
Dự thảo này nếu được thông qua vào 20.5 thì sẽ áp dụng ngay trong năm học 2022-2023.