NMNĐ Thái Bình 2 chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia
Thông tin doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:00, 13/05/2022
Tham dự có ông Lê Khắc Thận – Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Bình; ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp; Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng; Thành viên HĐTV Petrovietnam Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án NMNĐ Thái Bình 2; Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan; cùng đại diện lãnh đạo Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs, lãnh đạo các Ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn, Công đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị nhà thầu đang tham gia dự án.
Vào lúc 22 giờ 52 phút ngày 12.5.2022, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã tiến hành hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1 thành công – vượt 7 ngày so với tiến độ đề ra. Đây là dấu mốc quan trọng của Dự án, khẳng định quyết tâm chính trị, nỗ lực vượt khó của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tập thể Ban QLDA ĐLDK Thái Bình 2, Tổng thầu PETROCONs cùng các nhà thầu liên quan trong việc hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành và phát điện thương mại theo đúng tiến độ.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành và Lãnh đạo Tập đoàn, với mong muốn đưa Dự án vào vận hành thương mại vào cuối năm nay. Việc hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1 vào ngày 23.02.2022 và hôm nay mốc hòa đồng bộ bằng dầu Tổ máy số 1 vào lưới điện quốc gia minh chứng rõ nét cho sự “hồi sinh” của Dự án.
Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Dự án xây dựng NMNĐ Thái Bình 2 đạt hơn 93%; thiết kế đạt 99,9%, công tác mua sắm hoàn thành khoảng 97,32%; công tác chạy thử hoàn thành khoảng 40%; công tác thi công xây lắp hoàn thành khoảng 93,88%.
Trong quá trình triển khai, Dự án đã gặp vô vàn khó khăn, bị đình trệ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc, đã có nhiều ý kiến cho rằng phải đưa “khẩn cấp” dự án vào danh sách dự án yếu kém ngành Công Thương. Nhưng vượt lên những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể đó, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất của tập thể lãnh đạo, người lao động Dầu khí, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ các thời kỳ, đặc biệt từ tháng 7.2021 khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, Dự án đã chuyển động mạnh mẽ, tiến độ đang từng bước được rút ngắn.
Ngày 08.5.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã tới kiểm tra, làm việc tại Dự án. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của người lao động trên công trường, chia sẻ một số bài học, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các tổ chức công việc để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, an toàn.
Trước đó, với mục tiêu hoàn thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đảm bảo chất lượng với tiến độ vào cuối năm 2022, chỉ trong vòng 6 tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống công trường, chỉ đạo, xử lý nóng từng vướng mắc, cơ chế, chính sách, tạo niềm tin và trên hết là kịp thời động viên người lao động tại Dự án. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, hằng tuần, Petrovietnam đều có báo cáo cập nhật tình hình triển khai, thi công tại Dự án để kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh có thể ảnh hưởng đến tiến độ. Chính sự quan tâm và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tạo động lực, niềm tin cho tập thể lãnh đạo, người lao động Petrovietnam củng cố quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đưa Dự án vào guồng một cách nhanh chóng.
“Công trường phải đông người, phải có không khí sôi nổi, nhiệt huyết, đồng lòng nhất trí giải quyết việc chung. Chỉ có như vậy chúng ta mới vượt qua khó khăn, xử lý các vấn đề tồn tại của dự án”, đó là tinh thần được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành luôn nhấn mạnh trong các lần về thăm, làm việc tại Dự án.
Với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả", Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban QLDA, Tổng thầu/các nhà thầu phụ đã tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt, chạy thử nghiệm Dự án NMNĐ Thái Bình 2, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của Dự án. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức củng cố bộ máy quản lý Dự án, điều động hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân từ các đơn vị trong ngành Dầu khí tham gia hỗ trợ tại Dự án trong công tác chuẩn bị sản xuất, sửa chữa bảo dưỡng, chạy thử nghiệm thu. Hiện tại luôn có khoảng 1.000-1.200 kỹ sư, công nhân thi công trực tiếp tham gia tại Dự án.
Phát biểu tại sự kiện hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy số 1, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam cho biết, đây là mốc tiến độ quan trọng để hướng tới các mốc tiến độ tiếp theo và đưa Nhà máy vào hoạt động thương mại trong năm 2022. Sau mốc hòa lưới điện Tổ máy số 1, khối lượng công việc rất lớn, đề nghị Ban QLDA và tổng thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, trách nhiệm để đưa tổ máy vào phát điện bằng than.
“Trải qua một thời gian dài khó khăn do dịch bệnh, gián đoạn nguồn vật tư, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và đặc biệt là huy động nguồn nhân lực từ các nhà thầu nước ngoài… Để khắc phục khó khăn này, Ban QLDA, tổng thầu và các nhà thầu phụ đã phối hợp chặt chẽ, thi đua lao động sản xuất để hoàn thành các mốc tiến độ” - Chủ tịch Petrovietnam lưu ý.
Nhấn mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là mốc đốt than lần đầu vào ngày 16.6, Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng nêu rõ dự án còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Petrovietnam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và tỉnh Thái Bình để sớm hoàn thành NMNĐ Thái Bình 2.
Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm NMNĐ Thái Bình 2 sẽ cung cấp trên 7,2 tỉ kWh điện cho lưới điện Quốc gia. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nói chung.