Hai cô gái 10X thiết kế ‘mạch điện thông minh’
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 12:58, 06/07/2016
Điện là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta nhưng nhiều người chưa có ý thức tiết kiệm điện với nhiều lý do khác nhau. Sản phẩm “Mạch điện thông minh” phiên bản mini của hai học sinh lớp 6 có công dụng giúp cho thiết bị điện trong nhà tự tắt, mở khi cần thiết nhằm tiết kiệm điện và nâng cao ý thức tiết kiệm điện của người dân.
Sinh ra và lớn lên tại thủ đô, hai cô bạn Nguyễn Minh Châu và Phạm Trâm Anh dù mới chỉ là những học sinh cấp II nhưng đã biết nghĩ tới những mảnh đời khó khăn và cùng chung tay mang nguồn điện đến gần hơn với bà con, giúp cuộc sống của người dân được đầy đủ ánh sáng…
Trao đổi cùng PV báo điện tử Một Thế Giới, cô bé Minh Châu với vẻ ngoài nhanh nhẹn tự tin chia sẻ về ý tưởng: “Qua một số chương trình hay các bài học, em nhận thấy cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao đang rất thiếu thốn nguồn điện sinh hoạt, trẻ em thiếu điều kiện học tập. Tuy nhiên, chỉ cần những người sống tại thành thị biết tiết kiệm điện một chút thì ai ai cũng có thể có điện dùng”.
Vì vậy, sản phẩm này ra đời không chỉ giúp bà con dân tộc có cơ hội sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày nhằm cải thiện đời sống mà còn giúp nâng cao ý thức tiết kiệm điện.
Theo Châu giải thích, mô hình hoạt động dựa trên 5 thành phần cấu tạo bao gồm: SRF05, Arduino, TH number, Buzzer, Led. Cụ thể, sản phẩm sử dụng SRF05 là hệ thống cảm biến sử dụng sóng siêu âm và có thể đo khoảng cách trong khoảng từ 2- 300 cmvới độ chính xác gần như chỉ phụ thuộc vào cách lập trình. Những thông số đo khoảng cách của vật sẽ được hiện lên máy tính .
“Linh hồn của sản phẩm chính là Arduino - một nền tảng mà mọi thiết bị phần cứng đều được làm sẵn và chuẩn hóa, cung cấp cho người dùng module điều khiển động cơ có sẵn, mạch điều khiển có sẵn, mạch thu phát sóng không dây có sẵn và người dùng chỉ cần lập trình trên các phần mềm có sẵn đó”, Châu giải thích thêm.
Mô hình được hoạt động dựa trên 5 thành phần cấu tạo bao gồm: SRF05, Arduino, TH number, Buzzer, Led
Từ những phân tích cụ thể về từng bộ phận của sản phẩm, Minh Châu cho biết nguyên lý hoạt động của mô hình không quá phức tạp. Khi máy cảm biến khoảng cách (SRF05) đo được dữ liệu chung sẽ chuyển vào máy tính (Arduion) để hiện lên thông số chung đã đo được với đơn vị cm. Khi dữ liệu từ bộ nhớ chuyển qua TH number lập tức sẽ hiện lên thông số nhất định với đơn vị đo cm sẽ làm cho chuông của bộ loa Buzzer kêu và hệ thống đèn Led sẽ được phát sáng.
Với những người học lập trình lâu năm, khi lên ý tưởng và tiến hành hoàn thiện sản phẩm thường hay gặp những khó khăn nhất định nhưng với Minh Châu và Trâm Anh, dường như mọi khó khăn đều biến mất, nhường chỗ cho niềm đam mê khoa học và mong muốn mang sản phẩm đến gần hơn với người dùng.
“Trong quá trình làm, chúng em tập trung vào từng khâu và luôn làm cùng nhau mà không phân chia công việc cụ thể. Hầu như chúng em không gặp khó khăn gì và sản phẩm làm ra cũng không mất quá nhiều tiền”, Minh Châu khẳng định.
Minh Châu và Trâm Anh giành giải Ba trong cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016 - Ảnh: Thu Anh
Với mô hình nhỏ gọn và sự tiện dụng của sản phẩm, Minh Châu và Trâm Anh đã gặt hái cho mình thành công bước đầu với giải Ba trong cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016 - cuộc thi thiết kế các sản phẩm, thiết bị công nghệ dành cho học sinh say mê sáng tạo và lập trình ở độ tuổi từ 11- 18 tuổi đang sống và học tập trên địa bàn TP.Hà Nội.
Đánh giá về mô hình này, các thành viên trong ban giám khảo cùng đồng thuận cho rằng sản phẩm tuy mới chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu nhưng với ưu điểm nhỏ gọn, thiết thực, “Mạch điện thông minh” sẽ giúp nâng cao ý thức tiết kiệm điện năng cho người dân nhằm bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Trong tương lai, hai cô gái mong muốn sản phẩm của mình sẽ được ứng dụng rộng rãi trong các trường học và bệnh viên.
Thu Anh