Mỹ sắp dùng công cụ trừng phạt mạnh nhất với Hikvision, Trung Quốc phản ứng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:06, 05/05/2022
Các biện pháp trừng phạt tiềm năng sẽ được quản lý bởi Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan công bố danh sách công dân bị chỉ định đặc biệt (SDN) cấm các công ty hoặc công dân Mỹ giao dịch hoặc thực hiện các giao dịch tài chính với những người bị liệt kê và đóng băng tài sản bị giữ ở Mỹ, tờ Financial Times cho biết, mà không nêu rõ biện pháp trừng phạt nào sẽ được sử dụng.
Nếu được áp đặt, các lệnh trừng phạt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với Hangzhou Hikvision Digital Technology (viết tắt là Hikvision) - nhà sản xuất thiết bị giám sát Trung Quốc, vốn phải đối mặt các hạn chế khác của Mỹ vì các hoạt động trái với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.
Cổ phiếu của Hangzhou đã giảm sâu sau thông tin trên.
Hikvision bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền bằng camera được sử dụng để trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.
Mỹ đã bắt đầu thông báo cho các đồng minh vì Hikvision có khách hàng ở hơn 180 quốc gia, hai trong số các nguồn tin nói với Financial Times.
Cả Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ đều từ chối bình luận.
Trong một email gửi tới Reuters, Hikvision cho biết công ty đã, đang và sẽ tiếp tục tuân thủ các luật và quy định hiện hành tại các quốc gia nơi họ hoạt động.
"Hành động tiềm năng được đề cập của chính phủ Mỹ vẫn đang được xác minh. Chúng tôi nghĩ rằng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào như vậy phải dựa trên bằng chứng đáng tin cậy và quy trình thích hợp, đồng thời mong được đối xử công bằng và không thiên vị", Hikvisio phản hồi.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên trong cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 5.5 rằng họ lo ngại về các báo cáo và theo dõi chúng, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc phản đối Mỹ sử dụng nhân quyền và các "cái cớ" khác để đàn áp các công ty Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng những biện pháp trừng phạt có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.
Bà Emily Kilcrease, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và là cựu Phó đại diện Thương mại Mỹ, cho biết: “Việc đưa Hikvision vào danh sách SDN, nếu đó thực sự là những gì họ đang dự định làm, là một sự leo thang đáng kể. Trong khi các vấn đề nhân quyền được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden, tôi nghĩ rằng cách tiếp cận của họ sẽ được hiệu chỉnh hơn", đồng thời cho rằng động thái chống lại Hikvision sẽ được nghiên cứu để triển khai trong trường hợp xung đột với Trung Quốc leo thang hơn.
Hikvision từng phải đối mặt với các hạn chế xuất khẩu và đầu tư của Mỹ.
Hikvision đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019 vì cáo buộc có liên quan đến vi phạm nhân quyền và lạm dụng trong việc thực hiện chiến dịch đàn áp, giam giữ tùy tiện hàng loạt và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Tháng 6.2021, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp cấm các thực thể Mỹ đầu tư vào Hikvision và các công ty Trung Quốc khác bị cáo buộc có quan hệ với các lĩnh vực công nghệ giám sát, mở rộng theo lệnh từ thời ông Trump.
Chính quyền Trump đã thẳng tay đàn áp nhiều công ty Trung Quốc nhưng nhìn chung không sử dụng danh sách SDN, công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất của Mỹ.
Như Reuters đã đưa tin vào 2019, chính quyền Trump cân nhắc việc bổ sung Huawei Technologies vào danh sách SDN trong năm đó nhưng đã hoãn kế hoạch, vì điều này sẽ mang lại một loạt khó khăn về hậu cần, ngoại giao và kinh tế cho chính phủ Mỹ.