Triển vọng điều trị thoái hoá khớp bằng tế bào gốc
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 06:00, 01/09/2014
Hiện nay, thoái hóa khớp vẫn còn được bàn cãi về phương pháp điều trị hữu hiệu.
Thực tế, ghép tế bào sụn nuôi cấy điều trị tổn thương sụn khớp đã được áp dụng từ những năm 1994, tế bào sụn được được nuôi cấy nhân lên về số lượng trước khi bơm vào khớp.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, sự hiện diện của các tế bào tiền biệt hóa trong mô mỡ của cơ thể, được gọi là các tế bào trung mô có nguồn gốc mô mỡ ADAS (Adiposederived adult stromal). Trong điều kiện nuôi cấy đặc biệt, các tế bào ADAS có thể biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau như: tế bào sụn, nguyên bào xương, tế bào mỡ, thần kinh và tế bào cơ.
Do tế bào gốc ngọai biên có nguồn gốc từ mô mỡ khi được họat hóa, nên các nghiên cứu đang hướng đến ứng dụng tế bào gốc từ mô mỡ của chính bệnh nhân điều trị thoái hóa khớp.
Tiềm năng điều trị tốt
Báo cáo về ứng dụng lâm sàng tế bào gốc đầu tiên ở Việt Nam điều trị bệnh thoái hóa khớp của nhóm tác giả Bùi Hồng Thiên Khanh, ĐHYD Tp.HCM: từ sự hình thành mô sụn mới vùng mặt sụn khớp bị tổn thương, các bệnh nhân bị tổn thương sụn khớp thoái hóa được điều trị đều giảm đau.
Đây là 21 ca lâm sàng đầu tiên ứng dụng tế bào gốc từ mỡ được bắt đầu vào đầu năm 2012 đến đầu năm 2013 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Các bệnh nhân trên điều bị thoái hóa khớp gối hai bên và có 1 bên gối có chỉ định can thiệp nội soi: cắt hoạt mạc viêm, plica, lấy sụn rời, cắt sụn chêm… Mô mỡ được hút từ vùng bụng bệnh nhân, được xử lý và hoạt hóa thành tế bào gốc sụn trước khi bơm vào khớp gối bị thoái hóa. Bệnh nhân được chụp MRI và đánh giá chức năng khớp gối sau mổ.
Kết quả lâm sàng: sau trung bình 8,5 tháng (6-18 tháng) theo dõi cho thấy thang điểm đau cải thiện từ 7,6 (±0,5) lên 3,5 (±0,7) sau 3 tháng theo dõi, và lên 1,5 (±0,5) sau 6 tháng theo dõi. Đồng thời có sự cải thiện về hình ảnh học MRI: lớp sụn bị tổn thương dầy lên. Không có các biến chứng liên quan đến thủ thuật như nhiễm trùng, hay các biến chứng về thải ghép hay sinh ung.
Theo nhóm tác giả, nghiên cứu này cho thấy, thử nghiệm lâm sàng ứng dụng tế bào gốc từ mỡ tự thân đang mở ra một hướng điều trị ít xâm hại cho bệnh thoái hóa khớp. Tế bào gốc mô mỡ tự thân đã mở ra một hướng mới để điều trị thoái khớp: điều trị bảo tồn. Nó bổ sung một mắt xích quan trọng cho chuỗi liệu pháp hiện tại.
Tương tự, một nghiên cứu điều trị thoái hoá khớp gối bằng tế bào gốc từ mô mỡ sau đó của nhóm tác giả từ các bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh TP.HCM, và phòng Thí nghiệm nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc (TN NC&ƯD TBG - ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cũng cho ra một kết quả triển vọng.
Trong nghiên cứu này, 8 bệnh nhân nghiên cứu được tiến hành phẫu thuật nội soi cắt lọc và bơm tế bào gốc vào ổ khớp, còn 8 bệnh nhân đối chứng chỉ tiến hành phẫu thuật nội soi cắt lọc đơn thuần.
Đây là phương pháp ghép tự thân, tế bào gốc được tách ra từ bệnh nhân, hoạt hóa bằng huyết tương giàu tiểu cầu của chính bệnh nhân và ghép lại cho bệnh nhân.
Tăng tính hiệu sụn và xương dưới sụn ở lồi cầu trong và bánh chè trước dùng tế bào gốc |
Tăng tính hiệu sụn và xương dưới sụn ở lồi cầu trong và bánh chè sau dùng tế bào gốc |
Cần thêm nghiên cứu sâu hơn
Dù kết quả khả quan, đưa ra nhiều tiềm năng, nhưng cả hai nghiên cứu trên đều có hạn chế là, không có bằng chứng về mô học ở những bệnh nhân này. Về mặt hình ảnh học, nghiên cứu chưa ghi nhận được sự tái tạo sụn hay các phục hồi sụn khớp tương tự.
Ở nghiên cứu của nhóm tác giả ĐH Y dược, do sự cải thiện rõ rệt về chức năng khớp gối, các bệnh nhân đã từ chối nội soi khớp gối để lấy mẫu mô sinh thiết.
Còn theo nhóm tác giả nghiên cứu sau, hạn chế trên cũng có thể do đây chỉ là báo cáo cắt ngang tại thời điểm 6 tháng, bệnh nhân cần thêm thời gian để theo dõi.
Tuy nhiên, theo các nhóm tác giả, dù không có kết quả mô học làm bằng chứng cho sự phục hồi mô sụn xương bị tổn thương, sự cải thiện về mặt lâm sàng rõ rệt và ổn định đã củng cố thêm giả thiết về chức năng tế bào gốc. Đồng thời, phương pháp sử dụng tế bào gốc từ mô mỡ và huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối là phương pháp an toàn, giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng đau, khả năng vận động.
Cả hai nghiên cứu trên đều nhận định: cần làm các nghiên cứu khác với thời gian theo dõi lâu hơn, với số lương bệnh nhân lớn hơn để đánh giá lợi ích của phương pháp ít xâm hại này.Thực tế, tổn thương sụn là một vấn đề lâm sàng thường gặp, đặc biệt đối với những bệnh nhân trên 40 tuổi, thường dẫn đến viêm xương khớp nếu không được chữa trị hợp lý.
Viêm xương khớp (thoái hóa khớp) là quá trình thoái hóa, mạn tính đặc trưng bởi quá trình thoái hóa sụn, hình thành gai xương, tổ chức lại xương sụn phụ, sự bào mòn khớp và mất chức năng khớp. Hiện nay, chấn thương sụn được điều trị chủ yếu bằng thuốc hoặc tiêm hyaluronic acid, với mục đích là làm giảm triệu chứng, giảm đau và kiểm soát sự viêm. Tuy nhiên các liệu pháp này hạn chế về hiệu quả, và thường không ngăn chặn được quá trình tái thoái hóa của khớp.
Lê Quỳnh