Trung Quốc vật lộn với những thách thức khi số ca chết vì COVID-19 tăng cao
Quốc tế - Ngày đăng : 14:12, 28/04/2022
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chính sách 'Zero-COVID' bao gồm các biện pháp chống dịch khắc nghiệt hòng nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh.
Trung Quốc cũng đã chỉ ra những thành công trong quá khứ của chính sách này khi nước này chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong do COVID-19 trong cả năm 2021. Điều này củng cố tuyên bố của Trung Quốc về ưu thế chống dịch so với các chính phủ phương Tây.
Song tình hình hiện nay đã hoàn toàn thay đổi khi lần đầu tiên trong gần 2 năm qua, số người chết do COVID-19 ở Trung Quốc đang tăng lên hàng ngày trong bối cảnh thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đang bị phong toả nghiêm ngặt.
Kể từ ngày 17.4, Thượng Hải đã ghi nhận 238 trường hợp tử vong do COVID-19, phần lớn là ở người cao tuổi.
Số ca tử vong này đã đánh dấu một giai đoạn mất mát mới của Trung Quốc cũng như một thách thức chính trị có độ rủi ro cao.
Theo chuyên gia an ninh y tế Nicholas Thomas, Phó giáo sư tại Đại học Thành phố Hồng Kông, việc báo cáo số liệu tử vong là "một con dao hai lưỡi đối với các nhà chức trách".
"Nếu báo cáo con số quá thấp, sẽ không chỉ gây nên sự ngờ vực mà còn khiến các biện pháp phòng dịch nghe có vẻ nghiêm ngặt quá mức. Nếu con số quá cao, thì việc phong tỏa là chính đáng nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thể ngăn chặn được vi rút lây lan".
Cho đến nay, các quan chức chính phủ đã ưu tiên việc ngăn chặn dịch bệnh hơn tất cả những thứ khác, bất chấp sự phẫn nộ của người dân và nền kinh tế bị đe doạ nghiêm trọng.
Theo Thomas, chính phủ Trung Quốc không có dấu hiệu từ bỏ chính sách 'Zero-COVID' mà thậm chí còn 'tăng cường gấp đôi biện pháp chống dịch' và chính sách này sẽ vẫn được duy trì trong tương lai gần.
Khi số ca tử vong và các ca mắc COVID-19 nghiêm trọng gia tăng ở Thượng Hải trong những ngày gần đây, các quan chức y tế thành phố đã lên tiếng về việc tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi.
"Chúng tôi cần điều phối các nguồn lực y tế của thành phố, tăng cường các đội y tế quan trọng giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và cố gắng hết sức để giảm tỷ lệ tử vong. Những người cao tuổi đủ điều kiện nên được tiêm chủng càng sớm càng tốt", Zhao Dandan, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải, cho biết hôm 24.4.
Đầu tháng 4, các quan chức thành phố Thượng Hải cho biết 62% trong số những người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng trong đó 38% đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường. Song chỉ có 15% người trên 80 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong số 238 trường hợp tử vong, chỉ có 13 trường hợp đã được tiêm chủng.
Tỷ lệ tiêm chủng tụt hậu trong nhóm tuổi này là một lỗ hổng nghiêm trọng trong kế hoạch chống COVID-19 của Trung Quốc. Nước này đã quá tập trung nguồn lực để phát triển và sản xuất vắc xin do mình tự nghiên cứu trong khi đó lại không đảm bảo những liều vắc xin đó được tiếp cận nhóm người cao tuổi, những người nhiều khả năng cao tử vong vì COVID-19.
Giờ đây, để duy trì tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức thấp, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào các biện pháp phong tỏa để bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, một số trường hợp tử vong không xác định dường như có liên quan đến các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong thành phố. Các biện pháp này đã tạo ra thách thức lớn với người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.
Nhiều người lo sợ rằng Thượng Hải có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự như ở Hồng Kông, nơi một đợt bùng phát dịch COVID-19 hồi đầu năm đã đẩy tỷ lệ tử vong của thành phố lên một trong những mức cao nhất trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Hồng Kông cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhóm người cao tuổi. Thành phố này chỉ có 40% người từ 70 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 3 và chỉ 25% người dân từ 80 tuổi trở lên được tiêm chủng vào đầu năm nay.
Hồng Kông báo cáo có hơn 9.000 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 1,19 triệu ca nhiễm kể từ tháng 1 năm nay.
Bác sĩ bệnh truyền nhiễm Peter Collignon, giáo sư tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia cho biết theo tỷ lệ đó thì Thượng Hải lẽ ra có tới 700 ca tử vong/100.000 ca nhiễm.
Các chuyên gia cũng đã chỉ ra sự thiếu minh bạch xung quanh các tiêu chí được các quan chức Trung Quốc sử dụng để phân loại một ca tử vong do COVID-19 gây ra.
Một số chuyên gia phản ánh những lo ngại về việc liệu các ca nhiễm và tử vong do COVID-19 có được thống kê đầy đủ trong đợt bùng phát dịch đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm 2020 hay không.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố năm 2020: "Trung Quốc đã tính toán và báo cáo các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận và số ca tử vong dựa trên các dữ liệu đầy đủ. Số lượng các ca nhiễm và tử vong tương đối thấp có thể là do các biện pháp toàn diện và nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc".
Nhưng nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng rất khó để đưa ra so sánh giữa các nơi do có chiến lược xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh, các yếu tố xã hội và nhân khẩu học khác nhau.
Xi Chen, Phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale (Mỹ), cho biết, việc phong tỏa dài ngày ở Thượng Hải sẽ mang lại nhiều tác động dài hạn. Việc bỏ sót các cuộc kiểm tra sức khoẻ cho những người mắc ung thư hoặc căng thẳng về sức khỏe tâm thần sẽ có thể khó đoán định được hậu quả.