An Giang: Cảnh giác chiêu tuyển cộng tác viên mua bán hàng online

Sự kiện - Ngày đăng : 18:09, 26/04/2022

Thời gian gần đây, một nhóm người đã giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Cái bẫy” dành cho cộng tác viên mua bán hàng online

Chị L.T.T (38 tuổi, tên bị bại đã thay đổi, ngụ huyện Châu Phú) cho biết, bản thân chị thường lên mạng tìm kiếm việc làm bán thời gian để có thêm thu nhập lo cho gia đình thì biết được một người tự xưng là nhân viên trang thương mại điện tử giúp chị kiếm được nhiều tiền thông qua việc tham gia cộng tác viên mua, bán hàng online.

1-ctv.jpg
Khi tham gia làm cộng tác viên mua, bán hàng online phải tỉnh táo trước những "kịch bản" của nhóm người lừa đảo để tránh""tiền mất tật mang" - Ảnh: Minh Họa

Chị T. kể: “Khi nghe theo lời hướng dẫn, giới thiệu của người này thì mỗi ngày chị được giao 5 nhiệm vụ là đẩy đơn hàng lên mạng nhằm tạo tương tác sản phẩm.

Lợi nhuận tôi sẽ được trả từ 10% đến 15% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, họ ra yêu cầu là tôi phải nộp tiền trước (tương ứng giá trị sản phẩm) qua số tài khoản do họ cung cấp.

Hai nhiệm vụ đầu tiên, tôi đã chuyển tiền với số tiền nhỏ. Sau 5 phút như đã thỏa thuận thì tôi nhận lại được số tiền đã chuyển cộng thêm 10% đến 15% giá trị sản phẩm”.

Chị T. còn cho rằng việc họ trả tiền nhanh như vậy và có thêm thu nhập nên bản thân chị nhận định đây là trang làm việc uy tín, đáng tin cậy.

“Tuy nhiên, khi “lậm” vào số tiền lớn đưa cho họ thì họ chặn tất cả các mạng xã hội của tôi. Bây giờ mới biết mình đã bị “sụp bẫy” tụi lừa đảo. Tất cả tiền đầu tư, tôi đã giấu gia đình đi vay ở FE, Home, các trang wed vay tiền và vay tiền nóng. Hiện gia đình đang mâu thuẫn và tôi đang rất khó khăn vì phải chạy vay lo các khoản nợ”, chị T. bức xúc nói.

2-ctv.jpg
Đoạn tin nhắn trao đổi của nạn nhân với nhóm người lừa đảo - Ảnh: Uyên Túc

Tương tự, chị L.T.B (42 tuổi, tên bị hại được thay đổi, ngụ huyện Chợ Mới) cũng rơi vào trường hợp giống chị T.

Chị B. cho biết, bản thân chị đã bị nhóm người này chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng từ việc mua bán hàng online.

“Lúc đầu, tôi đăng bài thì được lợi nhuận số tiền tương đối khá nên mới tin tưởng và chuyển tiền cho họ. Nào ngờ đâu sao khi chuyển tổng cộng hơn 300 triệu đồng thì bọn chúng chặn Zalo của tôi và chiếm đoạt hết số tiền đó”, chị B. bức xúc nói.

Ngoài chiêu trò phổ biến trên, theo tìm hiểu của phóng viên thời gian qua trên địa bàn tỉnh An Giang còn xuất hiện các thủ đoạn lừa đảo giả mạo tài khoản Facebook, chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, nhóm lừa đảo này còn lập các trang web cho vay nhanh (thủ tục đơn giản, yêu cầu bị hại chuyển tiền để làm hồ sơ và các khoản phí khác). Sau đó, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân hoặc giả danh lực lượng thực thi pháp luật gọi điện thoại thông báo những bị hại có liên quan đến vụ án hình sự, có lệnh bắt tạm giam, yêu cầu bị hại chuyển tiền để xác minh rồi chiếm đoạt tài sản.

Tỉnh táo trước những “kịch bản” do nhóm lừa đảo trên mạng dàn dựng

Thiếu tá Lã Thanh Dương - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh An Giang cho biết, khi nhóm lừa đảo đăng tin tuyển công tác viên mua bán hàng online là bọn chúng nhắm vào nhóm người thích làm việc bán thời gian.

Khi đã tuyển được, nạn nhân mua hoặc bán được vài đơn hàng có giá trị thấp thì bọn chúng sẽ chuyển tiền vào tài khoản cả tiền gốc và tiền lợi nhuận để nạn nhân tin tưởng.

“Đến khi số tiền tăng lên dần cho những đơn hàng vài chục triệu hay hàng trăm triệu đồng thì chúng sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện nhiều nhiệm vụ, đồng thời viện ra nhiều lý do như: soạn tin không đúng cú pháp, nộp tiền quá thời gian, điểm tín nhiệm thấp...

Và khi đó sẽ yêu cầu nạn nhân phải thực hiện thêm nhiệm vụ thứ tư, thứ năm...thì mới nhận lại được tiền. Sau đó, nạn nhân không thực hiện được thì bọn chúng sẽ chiếm đoạt tiền rồi xóa tất cả thông tin”, Thiếu tá Dương phân tích.

4-ctv.jpg
Một nạn nhân đến công an trình báo vụ việc bị lừa đảo trên mạng - Ảnh: Uyên Túc

Thiếu tá Dương thông tin thêm, hiện công an yêu cầu người dân không cung cấp thông tin, hình ảnh, mật khẩu, mã OTP - mã liên quan đến tài khoản ngân hàng, ví điện tử của mình cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, cũng như đưa lên các trang mạng xã hội.

“Ngoài ra, khi vào các trang mạng không nhấp vào các đường link, các liên kết trên trang wed hay tin nhắn trên mạng xã hội lạ mà mình không biết. Phải nâng cao cảnh giác không làm theo hưbớng dẫn của những người không quen biết để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác khi cài đặt các app ứng dụng, nhất là app vay tiền trực tuyến để tránh chịu lãi suất cao và bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Người dân cần phải thật sự tỉnh táo, trước những “kịch bản” do các nhóm người lừa đảo dàn dựng.

Khi phát hiện phương thức, thủ đoạn lừa đảo tương tự, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất hoặc liên hệ phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh qua số điện thoại 0693.640.505 để được hướng dẫn, hỗ trợ”, Thiếu tá Dương khuyến cáo.

Tô Văn - Túc Uyên