Người nhiễm Omicron BA.1, BA.2 hầu như không tạo ra kháng thể chống lại biến thể khác

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:34, 19/04/2022

Một nghiên cứu mới cho thấy những người chưa tiêm vắc xin nhiễm Omicron không có khả năng phát triển kháng thể giúp bảo vệ họ chống lại các biến thể SARS-CoV-2 khác.

Không giống các kháng thể do tiêm vắc xin COVID-19 hoặc nhiễm các biến thể trước Omicron tạo ra, các kháng thể do nhiễm Omicron BA.1 và BA.2 không vô hiệu hóa các phiên bản SARS-CoV-2 khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều này khi phân tích các mẫu máu thu được sau khi nhiễm Omicron.

Những người bị nhiễm Omicron đột phá sau khi tiêm 3 liều vắc xin mRNA có mức kháng thể trung hòa cao chống lại BA.1 và BA.2 nhưng hiệu quả thấp hơn với các phiên bản SARS-CoV-2 trước đó, theo một báo cáo đang được bình duyệt tại trang Nature Portfolio và được đăng trên trang Research Square.

Các kháng thể sau khi nhiễm Omicron "rất đặc hiệu cho biến thể Omicron tương ứng và chúng tôi hầu như không phát hiện thấy kháng thể trung hòa nào nhắm vào các chủng vi rút không phải Omicron", nhà nghiên cứu Karin Stiasny và Judity Aberle của Đại học Y Vienna (Áo) cho biết trong một email chung.

Họ nói thêm rằng các kháng thể do BA.2 tạo ra dường như không có khả năng chống lại bất kỳ biến thể nào khác. Nghiên cứu "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường để bảo vệ hệ miễn dịch".

nguoi-nhiem-omicron-ba1-ba-2-hau-nhu-khong-tao-ra-khang-the-chong-lai-cac-bien-the-khac.jpg
Nhiễm Omicron BA.1, BA.2 hầu như không tạo ra kháng thể chống lại biến thể khác nếu không tiêm vắc xin

Miễn dịch lai với 3 mũi vắc xin có hiệu quả ngăn nhiễm Omicron BA.1 và BA.2 thế nào?

Một nghiên cứu ở Qatar đưa ra cái nhìn sâu sắc về khả năng bảo vệ của miễn dịch lai chống lại Omicron.

Nhiễm một biến thể SARS-CoV-2 gần 1 năm trước đó có thể giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm BA.1 và BA.2.

Tiêm hai liều vắc xin Pfizer hay Moderna có hiệu quả không đáng kể ngăn nhiễm BA.1 hoặc BA.2. Tuy nhiên, tiêm thêm mũi vắc xin thứ 3 có liên quan đến việc giảm 52,2 - 59,6% nguy cơ nhiễm BA.1 hoặc BA.2 có triệu chứng.

Khả năng bảo vệ cao nhất (gần 80%) ngăn nhiễm BA.1, BA.2 có triệu chứng đến từ miễn dịch lai giữa nhiễm SARS-CoV-2 trước đó và tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer-BioNTech hay Moderna.

Dù khác biệt lớn về hiệu quả ngăn nhiễm BA.1, BA.2 có triệu chứng, các hình thức miễn dịch khác nhau đều cho thấy khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại việc nhập viện và tử vong do COVID-19.

Dù những người hồi phục sau khi mắc COVID-19 thường có được một số khả năng miễn dịch chống tái nhiễm, họ sẽ được sự bảo vệ bổ sung nếu tiêm vắc xin, đặc biệt là ngăn bệnh nặng.

Đó là kết quả hai nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet.

Một nghiên cứu trên 22.566 người ở Brazil đã khỏi COVID-19 cho thấy 4 loại vắc xin đang được sử dụng tại nước này, từ Sinovac Biotech, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Pfizer-BioNTech, cung cấp khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể. Hiệu quả chống lại nhiễm SARS-CoV-2 từ 14 ngày sau khi tiêm vắc xin dao động từ 39,4% với CoronaVac của Sinovac đến 64,8% với vắc xin Pfizer-BioNTech. Hiệu quả chống nhập viện hoặc tử vong dao động từ 81,3% với CoronaVac đến 89,7% với vắc xin Pfizer-BioNTech.

Sử dụng dữ liệu từ hơn 5 triệu người ở Thụy Điển, nghiên cứu thứ hai phát hiện ra rằng miễn dịch lai (kết hợp nhiễm SARS-CoV-2 trước đó và tiêm 1 hoặc 2 liều vắc xin) có thể cung cấp thêm sự bảo vệ ngăn tái nhiễm thêm ít nhất 9 tháng so với miễn dịch tự nhiên đơn thuần.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Miễn dịch lai với 1 và 2 liều vắc xin có liên quan đến giảm 90-94% nguy cơ nhập viện COVID-19 so với miễn dịch tự nhiên đơn thuần”.

Cả hai nghiên cứu đều không bao gồm những bệnh nhân nhiễm hoặc tái nhiễm biến thể Omicron.

Tỷ lệ tử vong tại bệnh viện COVID-19 tăng vào cuối tuần

Số ca tử vong do COVID-19 trung bình trên toàn cầu cao hơn 6% vào các ngày cuối tuần so với các ngày trong tuần trong suốt đại dịch, theo thống kê được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ tháng 3.2020 đến tháng 3.2022.

Dự kiến ​​trình bày vào tháng này tại Đại hội châu Âu về Vi sinh lâm sàng & Bệnh truyền nhiễm, nghiên cứu cho thấy trung bình trên toàn thế giới có hơn 449 ca tử vong do COVID-19 cuối tuần so với ngày thường (8.532 so với 8.083). Mức tăng tuyệt đối cao nhất về số ca tử vong do COVID-19 vào cuối tuần là ở Mỹ (trung bình 1.483 ca tử vong cuối tuần so với 1.220 ca tử vong vào ngày trong tuần), tiếp theo là Brazil (1.061 so với 823), Anh (239 so với 215) và Canada (56 so với 48).

Chỉ có Đức báo cáo số người chết trung bình do COVID-19 ít hơn đáng kể vào cuối tuần so với các ngày trong tuần. Các nhà nghiên cứu cho biết sự gia tăng số ca tử vong do COVID-19 vào cuối tuần có thể phản ánh sự chậm trễ trong báo cáo, nhưng cũng có thể do trình độ nhân viên bệnh viện và các yếu tố tổ chức khác.

Dữ liệu không tính đến các yếu tố nguy cơ cá nhân của bệnh nhân COVID-19, các chính sách địa phương và can thiệp y tế công cộng, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả. Các nhà nghiên cứu tuyên bố: "Các nghiên cứu sâu hơn, với dữ liệu lâm sàng chi tiết là cần thiết để điều tra các nguyên nhân gây nguy cơ tử vong do COVID-19 vào các ngày trong tuần và cuối tuần".

Sơn Vân