Tăng lương tối thiểu vùng lúc này là cần thiết
Góc bình luận - Ngày đăng : 17:08, 11/04/2022
Bà phó giám đốc Văn phòng Giới thiệu sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho giới sử dụng lao động cho biết, trong phiên họp đầu tiên, VCCI nêu quan điểm nếu điều chỉnh thì nên vào đầu năm 2023 vì phù hợp năm tài chính.
Nhưng ngược lại, đại diện công đoàn Việt Nam kiên định với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022. Theo ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, mang ý nghĩa bảo vệ người lao động yếu thế, cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương trên thực tế.
Hầu như ai cũng biết và trong thực tế chủ lao động cũng đều biết, lương tối thiểu vùng là mức lương quá thấp, dù đó là thước đo phải có, nó có lợi cho chủ lao động hơn là bảo vệ được đời sống tối thiểu của người lao động.
Nhiều chủ lao động, vì muốn giữ chân công nhân sau đại dịch COVID-19, vì muốn công nhân có thâm niên, có tay nghề gắn bó lâu dài với mình, đã chủ động tăng lương cho công nhân trên mức lương tối thiểu vùng khá nhiều và tiếp tục thu hút công nhân chuyên nghiệp bằng những mức lương và mức thưởng tốt trong hoàn cảnh hiện tại.
Vậy mà, VCCI lại đề nghị lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng tới... năm 2023, trong khi lúc này chỉ vừa mới qua quý 1/2022, và đời sống công nhân hiện tại vô cùng khó khăn. Chuyện công nhân chấp nhận tăng ca, làm thêm là bởi vì họ không có phương cách nào khác để có thêm thu nhập. Đó là câu chuyện “cùng bất đắc dĩ”, vì ai cũng biết sức khỏe người lao động sẽ giảm sút thế nào sau thời gian dài phải tăng giờ làm như vậy.
Đại diện Công đoàn Việt Nam đã rất thấu tình đạt lý hơn khi đề nghị cần tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022. Mức lương tối thiểu vùng không bao giờ là mức lương cao, nhưng nó là thước đo ở mức nền thấp để từ đó đánh giá được mức lương thực chất mà người lao động đáng được nhận từ chủ lao động. Thương lượng giữa các cơ quan Công đoàn - đại diện của người lao động, và giới chủ lao động cần được tổ chức thường xuyên, vì thương lượng là giải pháp mà chủ lao động phải cần và người lao động cũng muốn để giải quyết vấn đề tiền lương.
Nhưng một khi không có thương lượng, hoặc bên chủ lao động từ chối thương lượng, sẽ dẫn đến điều gì? Cần phải làm mọi cách để tránh cảnh người lao động ngừng việc tập thể - một cách nói tránh về đình công vì như vậy thì tất cả đều... thua.
Thống kê trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể. Tranh chấp lao động đã diễn ra tại 11 địa phương, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tiền lương, chế độ phúc lợi cho lao động. Đó là điều không ai muốn, người lao động càng không muốn, nhưng không còn cách nào khác khi không có thương lượng thực chất hay thương lượng không đi tới kết quả.
Bây giờ, ở Việt Nam khi công nghiệp 4.0 mà cốt lõi là tự động hóa, robot hóa mới đi những bước đầu tiên, thì người công nhân vẫn là lực lượng lao động không thể thay thế. Thậm chí ở những nhà máy lớn, số lượng công nhân vẫn tăng rất cao. Có sự ấy bởi chủ lao động nhận thấy dùng người lao động vẫn rẻ hơn dùng robot lao động rất nhiều, tính từ tổng thể.
Nhưng câu chuyện “lao động giá rẻ” không thể kéo dài mãi, vì đời sống người công nhân hiện đã phải quá chắt bóp rồi. Và mức lương lao động bình quân ở khu vực Đông Nam Á, ở châu Á đã tăng rất nhiều rồi. Tăng lương tối thiểu vùng, để từ đó tăng lương thực chất cho công nhân là việc phải làm, càng sớm càng tốt.
Điều đó không chỉ tốt cho người lao động, mà còn tốt cả cho giới chủ.